Tụt huyết áp – Dấu hiệu nhận biết, cách xử lý và điều trị hiệu quả

Tụt huyết áp có lẽ là tình trạng mà bất kỳ ai cũng đã gặp phải một vài lần với những cảm giác như chóng mặt, choáng váng, đầu óc quay cuồng…. Vậy bạn đã biết lúc này cần phải làm gì để tránh rủi ro và cách điều trị ra sao để ngăn tái lại chưa? 

Tụt huyết áp là gì?

Tụt huyết áp (hạ huyết áp) chỉ tình trạng huyết áp (áp lực của dòng máu trong động mạch) đột ngột giảm xuống thấp hơn so với mức huyết áp bình thường. Tụt huyết áp được xác định khi huyết áp giảm dưới 90/60mmHg.

Triệu chứng của tụt huyết áp

Huyết áp giúp thúc đẩy máu lưu thông, bởi vậy mà khi huyết áp giảm đột ngột sẽ gây ra sự thiếu hụt máu tạm thời tại các cơ quan khiến người bệnh gặp phải những triệu chứng như:

–        Đột nhiên thấy mặt mũi tối sầm, đầu óc chao đảo, choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng, đứng không vững. Đây là dấu hiệu phổ biến nhất do thiếu máu lên não. 

–        Người mệt, yếu đi, chân tay bủn rủn.

–        Nhìn mọi vật xung quanh dần mờ đi.

–        Buồn nôn, nôn, cảm giác nôn nao khó chịu.

–        Da tái nhợt đi, lòng bàn tay và bàn chân lạnh.

–        Mất tập trung.

–        Tim đập nhanh hơn, thấy khó thở, đau ngực.

Những trường hợp bị tụt huyết áp nặng có thể có dấu hiệu ngất xỉu, co giật, vã mồ hôi lạnh, thở gấp, mạch nhanh yếu, mất ý thức, lú lẫn… Nếu thấy biểu hiện này, cần phải đưa người bệnh đi cấp cứu ngay.   

Nguyên nhân gây tụt huyết áp đột ngột

Tụt huyết áp thường là hậu quả của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, cụ thể là:

–        Giảm thể tích tuần hoàn: Xảy ra khi bị mất máu (tai nạn, xuất huyết nội tạng, phẫu thuật, sinh nở…), bệnh thiếu máu, mất nước (tiêu chảy, sốt cao, nôn ói nhiều)…

–         Tụt huyết áp do bệnh tim: Tim bơm máu kém vì bị suy tim, viêm cơ tim, nhịp tim chậm, bệnh van tim… gây hạ huyết áp.

–         Vấn đề về thần kinh: Các thụ thể cảm áp ở động mạch hoạt động kém khiến chức năng điều chỉnh huyết áp qua hệ thần kinh bị chậm trễ, tình trạng này hay gặp ở người già, người bệnh rối loạn thần kinh thực vật, Parkinson…

–         Tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai: Hệ tuần hoàn phát triển mở rộng trong giai đoạn thai kỳ đã làm giảm huyết áp.

–         Tụt huyết áp do thuốc tây: Là tác dụng phụ dễ gặp khi dùng thuốc điều trị huyết áp cao, thuốc chẹn canxi, thuốc lợi tiểu…

–         Nguyên nhân khác: Nhiễm trùng, bệnh nội tiết, thiếu dinh dưỡng, sử dụng rượu bia, sốc phản vệ…

Các dạng tụt huyết áp thường gặp

–        Tụt huyết áp tư thế: Đây là dạng phổ biến nhất, người bệnh bị tụt huyết áp, chóng mặt khi thay đổi tư thế từ ngồi hoặc nằm sang đứng. Bình thường khi đứng lên, máu tập trung xuống chân khiến não bị thiếu máu, các thụ thể cảm áp sẽ nhận biết điều đó và thông báo cho hệ thần kinh để điều chỉnh huyết áp về bình thường. Nhưng nếu quá trình này bị chậm trễ sẽ gây tụt huyết áp tư thế, hay gặp ở người lớn tuổi.

–        Tụt huyết áp sau ăn:Huyết áp giảm sau khi ăn no, do lúc này máu tập trung đến hệ tiêu hóa, nhưng vì các thụ thể cảm áp gửi tín hiệu sai lệch đã gây tụt huyết áp.

–        Tụt huyết áp qua trung gian thần kinh: Huyết áp hạ thấp khi đứng yên một chỗ trong thời gian dài do sự nhầm lẫn tín hiệu giữa tim và não, thường xuất hiện ở người trẻ.

–        Hội chứng Shy-Drager: Tụt huyết áp do tổn thương hệ thần kinh thực vật – hệ thần kinh kiểm soát huyết áp, nhịp tim, hô hấp và tiêu hóa.

Biến chứng của tụt huyết áp

Tụt huyết áp có thể chỉ xảy ra thoáng qua, nhưng nếu xử lý không đúng thì rất dễ bị té ngã gây chấn thương. Đặc biệt, những trường hợp tụt huyết áp sâu và kéo dài lâu có nguy cơ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:

–        Biến chứng tim mạch: Tim không nhận đủ máu do tụt huyết áp, dẫn đến thiếu máu cơ tim, suy tim, nguy hiểm nhất là cơn nhồi máu cơ tim.

–        Co giật: Tụt huyết áp quá mức có thể gây ra cơn co giật do sự phóng điện bất thường của tế bào thần kinh.

–        Sốc: Một biến chứng nguy hiểm do tụt huyết áp nặng, người bệnh bị vã mồ hôi, mạch đập yếu, thở gấp, mất ý thức, thậm chí là tử vong rất nhanh.

–        Tổn thương não: Não bị tổn thương do thiếu hụt máu nuôi dưỡng dẫn đến suy giảm trí nhớ, teo não, nghiêm trọng nhất là tai biến mạch máu não, có khoảng 10 – 15% số ca đột quỵ do nguyên nhân này.

Cách xử lý khi bị tụt huyết áp

Để giảm thiểu rủi ro xảy ra, ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ tụt huyết áp, người bệnh nên ngừng hết mọi việc và làm theo chỉ dẫn sau:

–         Nằm xuống trên bề mặt phẳng, gác hai chân lên ghế hoặc kê cao chân nhằm giúp đưa máu lên não dễ hơn.  

–         Uống một cốc trà gừng, một cốc nước có vị mặn hoặc uống nhiều nước, đây là cách nâng huyết áp tạm thời.

–         Làm các động tác mát xa như vuốt trán, day đi day lại vào 2 huyệt thái dương để máu lưu thông tốt hơn.

–         Khi đã bình thường trở lại nên xoa bóp, cử động tay chân cho máu lưu thông rồi mới từ từ đứng dậy.

Điều trị và phòng ngừa tụt huyết áp

Khi bị tụt huyết áp nhiều lần, người bệnh cần đi khám sức khỏe tổng quát để tìm nguyên nhân và loại bỏ nó. Bên cạnh điều trị bệnh nền (nếu có) thì hiện nay việc điều trị tụt huyết áp bao gồm các chỉ định sau:    

Biện pháp khắc phục tại nhà

Thay đổi lối sống là chỉ định ưu tiên cho trường hợp tụt huyết áp nhẹ, điều này cũng rất quan trọng trong phòng ngừa tụt huyết áp tái phát. Người bệnh cần lưu ý:

–        Uống nhiều nước từ 1.5 – 2 lít/ngày; hạn chế sử dụng rượu bia.

–        Ăn mặn hơn, nhưng không khuyến cáo cho người có bệnh tim và bệnh thận.

–        Bổ sung những thực phẩm bổ máu như rau lá xanh đậm, thịt bò, cá, hải sản, đậu đỗ…

–        Ăn các bữa nhỏ, tránh ăn no, tránh vận động ngay sau khi ăn.

–       Hạn chế thay đổi tư thế đột ngột, không nên tắm/ngâm mình lâu trong nước nóng, không đứng yên hoặc ngồi tại một chỗ trong thời gian dài.

–        Sử dụng tất/vớ nén y tế và kê cao đầu giường khi ngủ nếu bị hạ huyết áp tư thế.

–        Tập thể dục thường xuyên tối thiểu là 30 phút hằng ngày.

–        Ngủ đủ giấc, giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng tinh thần.

Tham khảo: https://hoithankinhhocvietnam.com.vn