Tầm quan trọng của việc làm xét nghiệm nhóm máu
Xét nghiệm nhóm máu giúp mỗi người có thể biết được mình chính xác thuộc nhóm máu nào. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết về tầm quan trọng của việc xét nghiệm nhóm máu và khi nào thì nên tiến hành làm xét nghiệm này.
1. Xét nghiệm nhóm máu là gì?
Để xác định được một người thuộc nhóm máu nào thì trước hết cần phải biết những thành phần có trong máu, có những loại nhóm máu nào, từ đó mới thực hiện làm xét nghiệm và có cơ sở đọc kết quả xác định nhóm máu.
Xét nghiệm nhóm máu là phương pháp được tiến hành nhằm xác định nhóm máu của người bệnh thông qua việc xác định các kháng nguyên trên mặt các tế bào hồng cầu.
2. Vì sao cần làm xét nghiệm nhóm máu?
Trong những trường hợp như cần truyền máu, người hiến máu bắt buộc phải làm xét nghiệm trước đó để xác định xem nhóm máu của người nhận có tương thích với nhóm máu của người cho hay không. Việc này là cần thiết và tuyệt đối không thể bỏ qua vì nó giúp đảm bảo an toàn trong quá trình truyền máu cho người bệnh.
Cụ thể nếu hai người không tương thích về nhóm máu thì người nhận có thể gặp một số tác dụng phụ như sốt, nổi mẩn, nguy hiểm hơn là sốc nặng dẫn đến tử vong. Do đó, xét nghiệm này cần có kết quả chính xác và hoàn toàn không được có bất kỳ sai lệch nào để tránh dẫn đến trường hợp không mong muốn cho bệnh nhân.
3. Khi nào thì nên làm xét nghiệm nhóm máu?
Thực chất, xét nghiệm này chỉ là một phương pháp kiểm tra nhóm máu của từng người chứ không phải là biện pháp thăm khám hay chữa bệnh. Trong những trường hợp khẩn cấp cần dùng kết quả xét nghiệm nhóm máu làm bằng chứng pháp lý hoặc hiến máu cho người khác thì mới cần làm xác định nhóm máu.
Một số trường hợp đặc biệt buộc phải thực hiện xét nghiệm này như:
- Khi người bệnh cần được hiến máu nhưng không có người nhà có nhóm máu tương thích, khi đó cần xét nghiệm máu của người đồng ý hiến máu để xác định độ tương thích giữa nhóm máu người cho và người nhận.
- Những người muốn hiến tặng nội tạng, xương, tủy trước khi đăng ký thì cũng cần làm xét nghiệm để kiểm tra độ tương thích với người nhận.
- Xét nghiệm này cũng có thể được dùng làm bằng chứng pháp lý nhằm mục đích xác định huyết thống, phân chia tài sản.
- Đối với những người đang mong muốn có con hoặc những thai phụ cũng nên làm xét nghiệm nhóm máu để có cơ sở đánh giá trước những nguy cơ không tương thích có thể xảy ra giữa nhóm máu mẹ và con.
Ngoài những trường hợp trên, khi một người có nhu cầu biết về loại nhóm máu của mình thì cũng có thể tiến hành làm xét nghiệm nhóm máu như bình thường mà không gây ảnh hưởng gì hay có nguy hại gì đến sức khỏe.
4. Cách phân loại các nhóm máu khác nhau
Thông thường, kết quả xét nghiệm cho ra 2 hệ nhóm máu chính trong cơ thể con người là ABO và Rh.
4.1. Hệ nhóm máu ABO
Người nhóm máu A: trên bề mặt hồng hầu có chứa kháng nguyên A, không có kháng thể anti-A và có kháng thể anti-B.
Người nhóm máu B: bề mặt hồng cầu có kháng nguyên B, không chứa kháng thể anti-B nhưng chứa kháng thể anti-A.
Người nhóm máu AB: hồng cầu trên bề mặt có chứa cả hai loại kháng nguyên và B, đồng thời không chứa kháng thể anti-A hay anti-B.
Người nhóm máu O: hai kháng nguyên A và B không xuất hiện trên bề mặt hồng cầu nhưng trong huyết thanh lại có chứa cả 2 loại kháng thể anti-A và anti-B.
4.2. Hệ nhóm máu Rh
Khi làm xét nghiệm, có thể xác định được loại máu của một người thuộc nhóm máu Rh dương (+) hay Rh âm (-) thông qua sự xuất hiện của kháng nguyên Rh trên bề mặt hồng cầu.
Nếu kết quả xét nghiệm cho ra Rh dương (+) có nghĩa là trên bề mặt hồng cầu có chứa kháng nguyên Rh. Ngược lại, nếu kết quả là Rh âm (-) tức là không phát hiện được sự có mặt của Rh trên bề mặt hồng cầu.
5. Những nguyên tắc cần lưu ý khi truyền máu
Khi cần tiến hành truyền máu, có một số nguyên tắc cần được lưu ý đối với các nhóm máu của cùng một hệ thống nhóm máu. Người nhận chỉ có thể nhận máu khi không có kháng thể kháng hồng cầu của người cho máu. Cụ thể:
- Người có nhóm máu A: có thể cho và nhận máu của người khác có cùng nhóm máu với mình, cũng có thể nhận được máu từ người nhóm máu O.
- Người có nhóm máu B: có thể cho và nhận máu của người cùng nhóm máu, đồng thời có thể nhận được máu từ người nhóm máu O.
- Người có nhóm máu AB: có thể nhận được tất cả các nhóm máu khác nhưng chỉ có thể cho người có cùng nhóm máu với mình (AB).
- Người có nhóm máu O: có thể cho máu tất cả các nhóm máu còn lại nhưng chỉ có thể nhận truyền máu từ người có nhóm máu O.
Tham khảo: https://medlatec.vn/