Phòng khám đa khoa Thuận Đức

0234 3833 888-0234 3818 184

Điện tim

Đo điện tim hay còn gọi là điện tâm đồ viết tắt là ECG; đây là phương pháp theo dõi hoạt động, tốc độ cũng như nhịp điệu của tim. Khi tim hoạt động, tim co bóp sẽ phát ra các biến thiên của dòng điện; lúc này điện tâm đồ là một đường cong có chức năng ghi lại các biến thiên đó. Thông qua đọc điện tim, ta có thể biết được khả năng tống máu của tim, biết được nhịp điệu và tốc độ của tim.

Những trường hợp nào đo điện tim?

  • Chẩn đoán rối loạn nhịp tim: bất thường tại vị trí phát ra nhịp (nút xoang, nút nhĩ nhất, cơ tim) sẽ cho hình ảnh nhịp tim bất thường trên điện tâm đồ;
  • Chẩn đoán phì đại cơ nhĩ, cơ thất: quá trình khử cực, tái cực của cơ tim sẽ thay đổi. Qua đó trên giấy ghi điện tâm đồ sẽ cho những gợi ý nhất định về tình trạng buồng tim lớn.
  • Chẩn đoán rối loạn dẫn truyền: việc tổn thương hay mất mạch lạc trong dẫn truyền sẽ cho thấy hình ảnh bất thường về nhánh điện học của tim trên điện tâm đồ (Block AV, Block nhánh tim).
  • Chẩn đoán các giai đoạn nhồi máu cơ tim: khi cơ tim bị thiếu máu và dưỡng khí có thể dẫn đến tổn thương hay hoại tử; khả năng dẫn truyền điện của cơ tim sẽ thay đổi. Sự thay đổi này được ghi nhận trên điện tâm đồ – đây là một trong những chẩn đoán giá trị nhất của phương pháp cận lâm sàng tim mạch này.
  • Chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ cơ tim: cơ tim thiếu máu sẽ cho thấy hình ảnh sóng T trên điện tâm đồ dẹt, sóng T âm.
  • Chẩn đoán các rối loạn điện giải: điện tim là do sự di chuyển của các ion (natri, kali, canxi…). Khi có sự thay đổi nồng độ các chất này, điện tâm đồ có khả năng sẽ thay đổi theo.
  • Chẩn đoán các tổn thương ở cơ tim, màng ngoài tim.
  • Theo dõi máy tạo nhịp.
  • Chẩn đoán một số ngộ độc thuốc: digoxin làm thay đổi đoạn ST của mọi cực, thuốc chống trầm cảm 3 vòng làm dài đoạn QT.

Lưu ý khi thực hiện điện tâm đồ

  • Người bệnh sẽ được nhân viên y tế giải thích về kỹ thuật và hướng dẫn các thủ tục trước khi tiến hành xét nghiệm;
  • Trước khi thực hiện điện tâm đồ, người bệnh cần liệt kê đầy đủ triệu chứng chính và cả những triệu chứng đi kèm; các thông tin quan trọng (tiền sử bệnh, tiền sử gia đình); các yếu tố nguy cơ tim mạch (tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ, rối loạn nhịp tim) kể cả những lo lắng; căng thẳng hoặc những thay đổi gần đây trong cuộc sống; tất cả những thuốc, thực phẩm chức năng, vitamin đang dùng và liều lượng cũng cần khai báo với bác sĩ;

Đo điện tim là xét nghiệm an toàn:

  • Đo điện tim là xét nghiệm an toàn, không gây tổn hại đến sức khỏe; có thể làm bất kỳ thời điểm nào, không liên quan đến bữa ăn, không phải nhịn đói khi làm điện tâm đồ;
  • Để tránh gây nhiễu cho các điện cực ghi điện tim, khi tiến hành đọc điện tim, người bệnh cần nằm yên tĩnh; tháo các vật dụng bằng kim loại ra khỏi cơ thể (đồng hồ, thắt lưng, chìa khóa…); cởi nút áo bộc lộ vùng ngực; hai tay đặt song song thân người, hai chân duỗi thẳng. Người bệnh cần thả lỏng và tuân thủ theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế trong quá trình đo;
  • Tùy thuộc vào diễn biến của bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định có thể làm điện tâm đồ nhiều lần trong các khoảng thời gian khác nhau;