Giải đáp: Điều trị tủy răng là gì?
Các bệnh lý tủy răng chiếm tỷ lệ cao trong các bệnh về răng miệng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe hàm răng. Nếu không được điều trị tủy răng kịp thời thì rất có thể sẽ dẫn tới các biến chứng vô cùng nguy hiểm. Vậy điều trị tủy răng là gì, hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết sau đây.
1. Điều trị tủy răng là gì?
Tủy răng là mô liên kết đặc biệt bao gồm mạch máu và hệ thống dây thần kinh, nằm ở trong hốc tủy và được bao quanh bởi các mô cứng của răng. Tủy răng nằm ở trong hốc tủy gọi là tủy buồng và tủy răng ở chân răng gọi là tủy chân, mỗi chân răng có một hoặc nhiều ống tủy. Tủy răng tham gia vào việc cảm nhận, nuôi dưỡng và sửa chữa ngà răng.
Điều trị tủy răng là quá trình bác sĩ tiến hành loại bỏ hết phần tủy răng bị viêm nhiễm, bao gồm cả tủy buồng và tủy chân. Sau khi đã loại bỏ tủy, bác sĩ sẽ làm sạch hốc tủy, tạo dạng và hàn kín để hoàn thiện kết cấu răng.
2. Tại sao phải điều trị tủy răng?
Tủy răng không giống như các cơ quan khác trong cơ thể, tủy răng không thể tự lành. Do đó khi bị viêm nhiễm, tủy răng sẽ trở nên suy yếu và “chết” đi. Nếu không điều trị kịp thời, viêm nhiễm từ tủy sẽ lan sang các mô khác trên răng, lan xuống vùng cuống răng và gây nên tình trạng nhiễm trùng cuống. Nghiêm trọng hơn, viêm nhiễm có thể lan tới xương hàm và ảnh hưởng tới sức khỏe toàn thân.
Ngoài viêm nhiễm, những cơn đau khi tủy bị viêm sẽ rất dữ dội, gây khó chịu cho mọi người. Cơn đau do viêm tủy khó có thể khắc phục bằng việc sử dụng thuốc giảm đau mà cần phải có sự can thiệp của nha khoa.
Nếu nhổ bỏ răng mà không trồng phục hình, chức năng ăn nhai sẽ bị suy giảm và còn có thể dẫn tới tình trạng tiêu xương hàm. Do vậy, việc điều trị tủy răng là thực sự cần thiết, đảm bảo sức khỏe răng miệng và thẩm mỹ của hàm răng.
Răng có bệnh lý tủy, bệnh lý vùng cuống, răng làm răng giả… có thể áp dụng việc điều trị tủy răng để phục hình. Về cơ bản, răng chữa tủy vẫn đảm bảo được sự khỏe mạnh, chắc chắn và có độ bền cao.
Dấu hiệu rõ nhất cho thấy mọi người cần điều trị tủy ngay lập tức là khi đau răng, đau thành từng cơn hoặc dữ dội. Cơn đau xuất hiện tự nhiên hoặc khi gặp nóng, lạnh bất thường. Hầu như việc sử dụng thuốc giảm đau không mang lại hiệu quả thực hiện.
3. Quy trình điều trị
Tủy răng bị viêm kéo dài không chỉ gây đau đớn mà còn có thể hoại tử lan sang các khu vực răng khác trên cung hàm. Do vậy, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tủy càng sớm càng tốt. Quy trình điều trị tủy thường được thực hiện tại các nha khoa như sau:
Bước 1: Kiểm tra
Bác sĩ tiến hành thăm khám để kiểm tra tình trạng viêm nhiễm ở tủy của mọi người. Trường hợp viêm tủy nặng, hình thành lỗ sâu mà điều trị bằng thuốc không có tác dụng thì bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tủy.
Bước 2: Vệ sinh
Trước khi thực hiện thủ thuật lấy tủy, bác sĩ sẽ vệ sinh răng miệng của mọi người sạch sẽ để tránh nhiễm trùng và giúp thao tác thực hiện dễ dàng hơn. Sau khi làm sạch, gây tê được thực hiện để tạo cảm giác thoải mái cho mọi người trong quá trình điều trị tủy.
Bước 3: Đặt đế cao su
Đặt đế cao su giúp khu vực quanh răng luôn đảm bảo khô ráo, sạch sẽ để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng.
Bước 4: Diệt tủy
Bác sĩ tạo đường thông nhỏ từ bên ngoài răng vào ống tủy bằng mũi khoan trước. Sau đó, tiến hành mở tủy để xác định chiều dài ống tủy, hút bỏ mô tủy bị viêm nhiễm. Tiếp theo, tiến hành làm sạch và điều chỉnh hình dạng của ống tủy để đảm bảo không còn mô tủy bị viêm.
Bước 5: Trám bít ống tủy
Sau khi loại bỏ hết mô tủy viêm, để răng được chắc chắn và không bị vi khuẩn tấn công, bác sĩ sẽ tiến hành trám bít lại. Bác sĩ sử dụng nhựa nha khoa chuyên dụng để trám lại các lỗ thông sau khi đã lấy tủy trên răng. Nhựa sẽ bít toàn bộ ống, có độ cứng như răng thật nên đảm bảo chức năng ăn nhai như bình thường cho răng.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giải đáp cho bạn về những kiến thức xoay quanh điều trị tủy răng. Bạn muốn tìm hiểu chi tiết hơn về kỹ thuật điều trị tủy có thể liên hệ trực tiếp tới nha khoa để được bác sĩ thăm khám và tư vấn.
Tham khảo: benhvienthucuc