Khi nào nên xét nghiệm HP qua hơi thở ?

Theo số liệu thống kê, có tới 80% người dân Việt Nam nhiễm vi khuẩn HP - loại vi khuẩn có thể lây lan nhanh chóng qua đường ăn uống, tiếp xúc. Xét nghiệm HP qua hơi thở là kỹ thuật xét nghiệm nhanh đang được áp dụng để kiểm tra sự hiện diện của chúng ở người bệnh.

I. Vi khuẩn HP là gì?

Theo như định nghĩa của y học thì HP là tên viết tắt của vi khuẩn Helicobacter Pylori. Ngoài ra, nó cũng thường được viết tắt theo một cách khác mà mọi người có thể thấy đó là H.Pylori. Vi khuẩn HP có dạng xoắn và được phát hiện vào năm 1982 bởi hai nhà nghiên cứu là Robin Warren và Barry Marshall.

Môi trường sống được cho là lý tưởng nhất đối với vi khuẩn HP chính là niêm mạc của dạ dày. Thực chất nó là một vi khuẩn kị khí, vì vậy nó chỉ tồn tại được ở trong môi trường thiếu oxy, đồng thời nó còn sản sinh ra catalase – một loại chất có khả năng phá hủy thành niêm mạc của dạ dày. Trên thực tế không phải người bệnh nào bị viêm dạ dày cũng bởi nguyên nhân từ sự tấn công của vi khuẩn HP, tuy nhiên tỷ lệ bệnh có nguồn gốc từ vi khuẩn này thường được cho là phổ biến hơn cả. Ở Việt Nam tỷ lệ nhiễm HP khoảng 70-80% tùy theo từng nghiên cứu.

Các nghiên cứu cho thấy rằng nhiễm vi khuẩn HP là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm loét dạ dày tá tràng mạn tính. Mặc dù vi khuẩn HP rất dễ lây nhiễm qua nhiều con đường khác nhau, nhưng nếu biết cách phòng tránh, bạn hoàn toàn có thể tránh xa được loại vi khuẩn này.

II. Tổng quan về Test thở C14O2 tìm H.Pylori

Test thở C14O2 (Xét nghiệm Urea qua hơi thở) là một test đơn giản cho phép xử trí hơi thở của người bệnh để phát hiện tình trạng nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP). Nó được xem như là “tiêu chuẩn vàng” cho chẩn đoán nhiễm khuẩn HP trong phòng thí nghiệm. Người bệnh được cho uống một lượng nhỏ ure có gắn 14C. Enzym urease của Helicobacter Pylori (nếu có) sẽ nhanh chóng phân hủy ure 14C thành ammoniac và dioxyt carbon phóng xạ 14CO2. Dioxyt carbon có hoạt tính phóng xạ này sẽ nhanh chóng chuyển vào máu và đi tới phổi, chúng sẽ được phát hiện qua khí thở ra.

Ưu điểm:

  • Độ nhạy và độ đặc hiệu của Test thở C14O2 tìm H.Pylori tương đương với nội soi làm CLO test (tiêu chuẩn vàng).

  • Đây là xét nghiệm phát hiện vi khuẩn HP không xâm lấn nhưng có độ chính xác cao hơn nhiều so với xét nghiệm máu.

  • Chưa thấy có tác dụng khó chịu nào khi sử dụng PY test. Người bệnh không cần phải chịu đựng nỗi khó chịu khi nội soi, cũng không cần phải rúm người trước cây kim chích trong phương pháp xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán Helicobacter Pylori. Bạn chỉ cần … thở và ngồi chờ máy móc truy tìm H.Pylori.

Nhược điểm:

  • Đồng vị carbon 14C là một đồng vị phóng xạ do vậy không được sử dụng cho phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ hay trẻ em

III. Có nên xét nghiệm HP qua hơi thở không?

Các chuyên gia y tế khuyến nghị, xét nghiệm HP qua hơi thở nên thực hiện với bệnh nhân nghi ngờ hoặc bị viêm loét dạ dày - tá tràng do vi khuẩn HP. Những đối tượng mắc bệnh có triệu chứng như sau sẽ được cân nhắc chỉ định thực hiện:

  • Đau bụng theo cơn, dai dẳng và nặng dần.

  • Sụt cân nhanh.

  • Ăn không ngon, chán ăn.

  • Xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu hoặc ra phân đen.

  • Khó thở.

  • Nôn, buồn nôn và các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa khác.

  • Người có tiền sử gia đình nhiễm khuẩn HP bị viêm loét dạ dày - tá tràng, ung thư dạ dày,…

Đôi khi xét nghiệm HP qua hơi thở cũng được chỉ định để đánh giá hiệu quả điều trị loại bỏ vi khuẩn HP sau một liệu trình kháng sinh để quyết định điều trị tiếp theo.

Nhìn chung, so với các kỹ thuật xét nghiệm khác, test HP qua hơi thở có nhiều ưu điểm vượt trội, đặc biệt là an toàn, không xâm lấn, không gây biến chứng. Nhiều người lo ngại thực hiện xét nghiệm này có thể khiến cơ thể phơi nhiễm phóng xạ và có nguy cơ bệnh lý liên quan. 

Tuy nhiên liều lượng phóng xạ đã được chỉ định, cơ thể chỉ nhận khoảng 3 microsievert phóng xạ - lượng chỉ bằng 10% so với chụp X-quang. Do vậy bệnh nhân hoàn toàn có thể yên tâm khi thực hiện xét nghiệm này.

Một số đối tượng sau đây cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện xét nghiệm HP qua hơi thở:

  • Người cao tuổi hoặc trẻ em dưới 8 tuổi.

  • Phụ nữ đang mang thai.

  • Người đang sử dụng hoặc sử dụng thuốc kháng sinh trong vòng 4 tuần gần đây, thuốc ức chế bơm proton trong vòng 2 tuần gần đây.

  • Người đang mắc bệnh tim phổi hoặc bệnh lý khác đang điều trị bằng thuốc.

  • Người có tiền sử dị ứng thuốc hoặc thực hiện thủ thuật y tế.

  • Người không có triệu chứng viêm loét dạ dày - tá tràng.

Mời quý khách tham khảo dịch vụ Xét nghiệm tìm H.P qua hơi thở bằng C14 ở phòng khám đa khoa Thuận Đức tại đây