Chụp X-quang phát hiện những bệnh gì?

Ngày nay, xã hội rất phát triển, y học cũng vì vậy phát triển theo, có rất nhiều máy móc, kĩ thuật ra đời để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của con người. Máy móc hiện đại phát hiện ra nhiều bệnh lý phức tạp, nhưng bên cạnh đó vẫn còn có những máy móc và kĩ thuật cơ bản, cổ điển vẫn hữu ích, có giá trị riêng để khám và sàng lọc ban đầu, đó là chụp X-Quang. Vậy bạn có biết kĩ thuật chụp X-Quang là gì? Chụp X- Quang phát hiện được gì? Có cần chuẩn bị gì khi chụp X-Quang không?

1. Chụp X-quang là gì? 

Chụp X-Quang là kĩ thuật sử dụng máy chụp X- quang được đặt tại một phòng chuyên dụng đặc biệt (có đảm bảo an toàn bức xạ) với bóng phát ra tia  X di chuyển được, được gắn vào một trụ kim loại chắc chắn, người bệnh sẽ được kĩ thuật viên hướng dẫn đứng (hoặc nằm hoặc ngồi) trước một tấm chứa phim X- quang( Cassette) hoặc một đầu thu đặc biệt có thể ghi lại hình ảnh của một bộ phận trên cơ thể cần chụp. 

Ưu điểm của kĩ thuật chụp X Quang là: 

  • Kĩ thuật thực hiện dễ dàng, không mất nhiều thời gian. 
  • Chi phí của một lần chụp rất rẻ và phù hợp với nhiều đối tượng. 
  • Liều nhiễm xạ rất thấp do sử dụng hệ thống kĩ thuật số. 
  • Mất khoảng 3-5 giây đã cho ra một bức ảnh chụp. 
  • Có thể phát hiện ra được một số tổn thương cơ bản và nhận định phương pháp kĩ thuật thăm khám tiếp theo. 

Nhược điểm của phương pháp chụp X Quang là: 

  • Không thấy rõ được đặc tính, bản chất bên trong của tổn thương 
  • Một số tổn thương có thể bị che lấp hoặc khó phát hiện ra do ở vị trí khó. 
  • Khó có thể quan sát được một số tổn thương nhỏ ở phổi. 
  • Hạn chế đối với phụ nữ có thai và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. 
  • Hạn chế quan sát được tổn thương ở trong ổ bụng ngoại trừ tắc ruột, thủng tạng rỗng. 

 2. Chụp X Quang phát hiện được những bệnh gì? 

Mặc dù có nhiều mặt hạn chế, nhưng chụp X- quang cơ bản vẫn là phương pháp đầu tiên giúp bác sĩ có thể chẩn đoán và định hướng bệnh. Chụp X Quang phát hiện được những bệnh gì? 

  • Các bất thường về xương: Gãy xương, u xương, viêm, chồi, khuyết xương,.... 
  • Đánh giá khe khớp và một số bất thường của ổ khớp, ví dụ như thoái hoá khớp, trật khớp, hẹp khe khớp,... 
  • Đánh giá được hình dạng, kích thước, bóng quả tim, để từ đó nhận định được cơ bản một số bệnh liên quan đến tim mạch.  
  • Bệnh lý về cột sống như cong vẹo cột sống, thoái hóa cột sống, gai xương,... 
  • Giúp bác sĩ nhận định được quá trình trước và sau khi điều trị. 
  • Theo dõi sự tiến triển của bệnh. 
  • Phát hiện khí trong ổ bụng khi bị thủng tạng rỗng. 
  • Phát hiện được một số bệnh lý liên quan đến phổi: U, viêm, lao, tràn dịch, tràn khí, áp xe,.... 
  • Nhận định được một số bệnh lý như viêm xoang, polyp trong xoang hàm mặt. 
  • Thay đổi đậm độ mô mềm. 

3. Cần chuẩn bị gì khi chụp X Quang? 

Hầu hết không cần chuẩn bị gì quá đặc biệt khi thực hiện kĩ thuật chụp X-Quang, chỉ có một lưu ý nhỏ trong quá trình thực hiện kĩ thuật chụp X-Quang là bạn nên tháo bỏ các vật dụng trang sức bằng kim loại, bằng đá,… có tính cản quang khỏi vị trí cần chụp để tránh ảnh hưởng đến chất lượng ảnh của bộ phận cần chụp. 

Khi có nghi ngờ bất thường (U, loét, hẹp,…) ở đường tiêu hóa như thực quản, dạ dày các bác sĩ cần làm sáng tỏ thì cho bạn uống một loại thuốc cản quang để đưa ra chẩn đoán phân biệt. 

Ngoài ra khi có bất thường ở hệ tiết niệu như u, viêm, giãn đài bể thận, hẹp niệu quản, túi thừa bàng quang,… thì sẽ cần tiêm một loại thuốc cản quang qua đường tĩnh mạch để đưa ra chẩn đoán phân biệt. 

Với bộ phần đại tràng (Ruột già) thì sẽ cần phải sử dụng thuốc thụt tháo( Fleet, fortrans) cho sạch phân xong sau đó sẽ đưa thuốc cản quang qua đường hậu môn rồi tiến hành chụp chiếu. 

Tóm lại, chụp X-quang là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng phổ biến từ xa xưa và cho đến ngày nay trong công tác khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế trong và ngoài nhà nước với chi phí tương đối rẻ tiền, kĩ thuật thực hiện dễ dàng, nhanh chóng và có những chẩn đoán định hướng ban đầu. 

Tham khảo: https://medlatec.vn/