Bướu cổ (Bướu giáp): Dạng rối loạn tuyến giáp phổ biến

Bướu cổ là tình trạng tổn thương của tuyến giáp khiến phần cổ của phình to một cách bất thường. Bệnh nhân cần đi khám càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này, từ đó có hướng điều trị phù hợp, kịp thời. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần kiểm tra định kỳ thường xuyên.

Bướu cổ là gì? 

Bướu cổ là tình trạng tăng kích thước tuyến giáp dẫn đến sưng to ở phần cổ phía trước. Bướu cổ có thể gây đau hoặc không tùy vào nguyên nhân gây bệnh.

Có nhiều loại bướu cổ:

Bướu giáp đơn thuần: Tuyến giáp không sản xuất đủ hormone giáp nên phải tăng trưởng to hơn để bù trừ. Thường thấy loại bướu cổ này ở phụ nữ mang thai, mãn kinh, tuổi dậy thì, người thiếu iod.

Bướu giáp bẩm sinh.

Bướu giáp đa nhân: Khi có các khối u phát triển trong tuyến giáp.

  • Bướu cổ địa phương: Do thiếu iod trong chế độ dinh dưỡng. Ở những nước có thêm iod vào muối thường rất ít người mắc loại bướu cổ này.

  • Bướu cổ rời rạc, không độc, thường không rõ nguyên nhân, có thể do sử dụng một số loại thuốc.

  • Bướu cổ Basedow: Hệ thống miễn dịch bị rối loạn, sản xuất 1 loại protein bắt chước TSH, kích thích tuyến giáp sản xuất quá mức hormone giáp, gây cường giáp.

Ung thư tuyến giáp (bướu ác tính).

Bướu cổ là độc hại khi nó có liên quan đến cường giáp dẫn đến tạo quá nhiều hormone tuyến giáp.

Những dấu hiệu và triệu chứng của bướu cổ

Khi có các triệu chứng sau, có thể bạn đã bị bướu cổ:

  • Sưng phù ở phần cổ, có thể có 1 hay nhiều nốt nhỏ từ từ to dần ở 1 hoặc cả 2 bên cổ.
  • Khó thở, khó nuốt.
  • Ho khan,
  • Khàn giọng.
  • Chóng mặt khi nâng cánh tay cao hơn đầu.
  • Căng cứng ở cổ họng.
  • Lồi mắt (trường hợp bệnh nhân bị Basedow).

Tác động của bướu cổ đối với sức khỏe 

  • Bướu cổ khi phát triển lớn có thể chèn khí quản, thực quản và dây thần kinh, dẫn đến khó nuốt, khó thở, ho, đau họng, khàn tiếng… Bên cạnh đó, bướu quá lớn cũng gây nặng nề, khó chịu cho bệnh nhân.
  • Bướu cổ có thể gây đau đớn, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe bệnh nhân.
  • Bướu cổ có thể ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh 

Khi bị bướu cổ do cường giáp, nếu không điều trị kịp thời có thể gây nhiều rối loạn nghiêm trọng trên tim mạch (loạn nhịp, suy tim sung huyết…), loãng xương, thậm chí là các cơn bão giáp có thể dẫn đến tử vong.

Khi bị bướu cổ do suy giáp, nếu không điều trị kịp thời có thể gây nhiều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe như các bệnh về tim mạch, chuyển hóa, tiêu hóa…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân dẫn đến bướu cổ

Cường giáp do:

  • Viêm tuyến giáp (có thể sau khi bệnh do virus hoặc bẩm sinh)

  • Bệnh Grave (Basedow)

  • Sử dụng thuốc (amiodarone, interferon – α…)

  • Thiếu iod

Suy giáp do:

  • Viêm tuyến giáp Hashimoto: Mô tuyến giáp viêm và tổn thương dẫn đến giảm sản xuất hormone giáp, gây suy giáp

  • Sau khi điều trị hoặc phẫu thuật cường giáp

  • U nang tuyến giáp lành tính

  • Ung thư tuyến giáp

Những ai có nguy cơ mắc phải bướu cổ?

Những đối tượng sau đây có nhiều nguy cơ bị bướu cổ:

  • Người mắc các bệnh mạn tính (suy thận mạn, viêm đại tràng…) gây ảnh hưởng đến sự hấp thu, thải trừ iod.

  • Người sử dụng các thuốc như lithium, amiodarone…

  • Người có tiếp xúc với bức xạ (xạ trị/hóa trị ung thư).

  • Người sống trong khu vực đang có tình trạng thiếu iod.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bướu cổ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bướu cổ, bao gồm:

  • Tuổi tác (trên 40 tuổi).

  • Giới tính: Xác suất phụ nữ bị bướu cổ và mắc các rối loạn tuyến giáp cao hơn đàn ông.

  • Phụ nữ có thai: HCG tiết ra trong quá trình mang thai có thể khiến tuyến giáp hoạt động quá mức và hơi to ra.

  • Phụ nữ mãn kinh.

  • Tiền sử bệnh tự miễn.

  • Tiền sử gia đình có các bệnh lý về tuyến giáp, ung thư tuyến giáp…

  • Lối sống, môi trường sống.

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bướu cổ

  • Siêu âm để xác định kích thước tuyến giáp và kiểm tra tuyến giáp có các nhân hay không.
  • Xét nghiệm máu về nồng độ hormone tuyến giáp và các kháng thể ở bệnh nhân có bệnh lý tuyến giáp (TPO, TSHR, anti thyroglobulin).
  • Sinh thiết tuyến giáp.
  • Chụp CT hoặc MRI nếu bướu lớn hoặc đã lan đến ngực.

Phương pháp điều trị Bướu cổ hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Trường hợp bướu cổ nhỏ và hormone tuyến giáp ở mức bình thường, có thể không cần điều trị, chỉ cần theo dõi tại nhà và chú ý khẩu phần ăn.

Khi nồng độ hormone giáp quá cao hoặc quá thấp, bắt buộc phải điều trị:

Dùng thuốc: Nếu bị suy giáp, sử dụng hormone thay thế hormone tuyến giáp (L – thyroxin, liothyronine). Trường hợp bướu cổ có nhân lớn với nhiều mô sẹo bên trong sẽ không thể teo đi khi điều trị bằng thuốc.

Trường hợp bướu cổ do viêm, có thể phối hợp aspirin hoặc corticoid.

Chăm sóc tại nhà: Tùy thuộc vào loại bướu cổ, cần tăng hoặc giảm iod trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Phẫu thuật: Tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp nếu bướu quá lớn, gây khó chịu, không đáp ứng với thuốc (do sản xuất quá nhiều hormone giáp) hoặc tiến triển thành ung thư. Có thể phải cắt bỏ toàn bộ hoặc 1 phần tuyến giáp tùy thuộc vào bệnh, sau phẫu thuật bệnh nhân có thể phải sử dụng hormone tuyến giáp suốt đời.

Dùng iod phóng xạ (RAI): I – 131 dùng đường uống để diệt bớt mô tuyến giáp hoạt động quá mức, từ đó giúp thu nhỏ kích thước tuyến giáp trong trường hợp cường giáp.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bướu cổ

Chế độ sinh hoạt:

Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Bệnh nhân cần lạc quan vì tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

Cung cấp đủ iod cho cơ thể qua khẩu phần ăn hàng ngày (nhu cầu iod là 150 – 200 μg/ngày).

Đối với tình trạng bướu cổ do thiếu iod, nên hạn chế ăn một số loại rau cải (bắp cải, bông cải, su hào…), đậu nành, ngũ cốc, thức ăn đóng hộp, thực phẩm giàu chất béo…

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Điều trị các bệnh mạn tính có khả năng cao dẫn đến bướu cổ và thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Cần đi khám và điều trị ngay nếu có các triệu chứng của suy giáp (mệt mỏi, buồn ngủ, nhạy cảm với lạnh, yếu cơ, khô da, táo bón, suy giảm trí nhớ…); cường giáp (sụt cân, đổ mồ hôi, tiểu nhiều, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, bồn chồn, khó ngủ, rối loạn kinh nguyệt…). Cần đặc biệt chú ý khi có các dấu hiệu cường giáp ở trẻ em như tăng trưởng chiều cao nhanh, thay đổi hành vi…

Tham khảo: https://nhathuoclongchau.com.vn/