Xoa bóp bấm huyệt có tác dụng gì?
Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp trị liệu bằng tay, người bấm huyệt sẽ dùng tay tác động lên các huyệt, da thịt và gân khớp của người bệnh, các tác động vật lý đó sẽ kích thích vào hệ thần kinh tạo nên những thay đổi của thể dịch, nội tiết giúp nâng cao năng lực hoạt động của lục phủ ngũ tạng và nâng cao quá trình dinh dưỡng của cơ thể.
Theo Y Học Cổ Truyền, xoa bóp bấm huyệt có tác động vào các huyệt, kinh lạc có thể đuổi được ngoại tà, điều hòa được dinh vệ, thông kinh hoạt lạc và điều hòa chức năng tạng phủ.
Xoa bóp bấm huyệt có những tác dụng gì?
Xoa bóp bấm huyệt không chỉ giúp điều trị hiệu quả các bệnh cơ xương khớp mà còn có tác dụng với nhiều căn bệnh khác như đau cổ – vai – gáy, mất ngủ, đau nửa đầu, tê chân, táo bón…
Đối với bệnh đau nhức xương khớp, xoa bóp, bấm huyệt kết hợp với châm cứu là những kích thích vật lý có tác động tại chỗ vào da, cơ, thần kinh, mạch máu có tác dụng tại chỗ là giảm đau, giãn cơ và lưu thông khí huyết. Xoa bóp giúp tăng tuần hoàn tại chỗ nên có tác dụng tăng cường dinh dưỡng, giảm đau, hạn chế quá trình thoái hóa của xương khớp.
Đối với bệnh mất ngủ, y học cổ truyền định nghĩa, xoa bóp bấm huyệt là những thủ thuật xoa nắn các mô của cơ thể một cách khoa học và hệ thống, tác động lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tuần hoàn tổng thể giúp giảm triệu chứng cứng cơ ở vùng cổ, cơ ở vai và bụng nên sẽ giúp bạn thoải mái hơn, thư giãn các cơ bắp nên dễ ngủ hơn.
Xoa bóp, bấm huyệt ngoài giúp thư giãn các cơ còn có tác dụng giảm tê cứng chân, tay, kích thích nhu động ruột đúng cách có tác dụng cải thiện tuần hoàn, tăng nhu động ruột nên hạn chế được tình trạng táo bón.
Tuy nhiên, xoa bóp tại đâu và bấm huyệt nào cần phải được thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ chứ không thể theo yêu cầu của người bệnh. Sau một lần xoa bóp, nếu hôm sau người bệnh thấy mệt mỏi nghĩa là phương pháp đó không hợp, cần điều chỉnh lại.
Xoa bóp, bấm huyệt giúp phòng bệnh hiệu quả
Phương pháp xoa bóp bấm huyệt không chỉ giúp điều trị hiệu quả nhiều bệnh mà còn có tác dụng phòng bệnh. Xoa bóp bấm huyệt có tác động trực tiếp vào da thịt, thần kinh, mạch máu, các cơ quan cảm thụ làm thay đổi về thần kinh, thể dịch, nội tiết.
Đối với mạch máu, phương pháp xoa bóp làm giãn mạch máu, tăng tuần hoàn tại chỗ góp phần chống viêm, giảm phù nề, tăng cường trao đổi chất.
Đối với cơ xương khớp, xoa bóp làm giãn cơ, đặc biệt tại những nhóm cơ đã bị co cứng trước đó. Xoa bóp thường xuyên làm tăng tính linh hoạt của khớp và làm giảm khả năng bị chấn thương, cải thiện tư thế.
Ngoài ra, xoa bóp còn có tác dụng kích thích tăng miễn dịch và cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Xoa bóp tác động trực tiếp lên các thụ cảm thần kinh dày đặc ở dưới da tạo ra các đáp ứng phản xạ thần kinh làm thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung, giảm đau, điều hòa chức năng nội tạng, tăng cường nhu động của dạ dày, ruột, cải thiện chức năng tiêu hoá, tăng dinh dưỡng của da làm da bóng đẹp, có tác dụng tốt đối với chức năng bảo vệ của da.
Tuy nhiên, nếu xoa bóp, bấm huyệt không đúng phương pháp và không phù hợp với thể trạng từng người thì có thể còn gây bầm tím, thậm chí ê ẩm hơn hoặc nếu làm những động tác mạnh tác động vào phần xương, khớp thì có thể gây ra nhiều tác hại xấu, thậm chí liệt cột sống.
Lưu ý khi xoa bóp bấm huyệt
Xoa bóp bấm huyệt chống chỉ định với người bệnh gãy xương
Xoa bóp bấm huyệt mang lại hiệu quả điều trị tốt cho một số bệnh, tuy nhiên cũng có chống chỉ định với một số tình trạng như gãy xương, chấn thương đụng dập cơ và dây chằng, ở khớp; bệnh tim phổi nặng như nhồi máu cơ tim, suy tim, cơn hen ác tính, suy hô hấp, vùng lở loét mụn nhọt (vì sẽ gây nhiễm khuẩn và làm nặng thêm tình trạng lở loét), khi các cơ quan bị tổn thương thực thể về ngoại khoa (viêm ruột thừa, thủng dạ dày, bệnh truyền nhiễm).
Tham khảo: https://benhviendakhoatinhphutho