Xét nghiệm soi cặn lắng nước tiểu quan trọng như thế nào?
Xét nghiệm soi cặn lắng nước tiểu là một loại xét nghiệm cơ bản và quan trọng. Thông qua kết quả xét nghiệm này, bác sĩ có thể chẩn đoán và theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh. Từ đó, đưa ra phác đồ điều trị bệnh phù hợp nhất.
1. Xét nghiệm soi cặn lắng nước tiểu quan trọng ra sao?
Sau quá trình chuyển hóa và đào thải, nước tiểu sẽ có chứa một số thành phần hữu hình như bạch cầu, hồng cầu, một số tinh thể, tế bào biểu mô, các loại trụ hình,… Việc để cặn lắng nước tiểu sẽ sẽ khiến cho những thành phần nêu trên tập trung lại và có thể dễ dàng phát hiện hơn nhờ phương pháp soi dưới kính hiển vi. Trong đó, Soi tươi và cặn Addis là những phương pháp được áp dụng phổ biến nhất:
- Soi tươi: Nên lấy nước tiểu giữa dòng. Thời gian lấy mẫu có thể vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Các chuyên gia sẽ sử dụng một giọt nước tiểu không ly tâm từ ống xét nghiệm để soi tươi cặn nước tiểu bằng kính hiển vi với vật kính 10X.
- Cặn Addis: Quá trình lấy mẫu xét nghiệm của phương pháp này sẽ phức tạp hơn một chút. Bệnh nhân nên ghi chép lại để việc lấy mẫu được thực hiện đầy đủ và đúng quy trình, đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác.
Sau khi thức dậy vào 6 giờ sáng, bệnh nhân đái hết nước tiểu trong đêm. Sau đó uống khoảng 200ml nước đã đun sôi để nguội.
Chuẩn bị một chiếc bô đã được rửa sạch sẽ (rửa bằng xà phòng), để gom nước tiểu vào bô. Đến 9 giờ, bệnh nhân đái lần cuối cùng, đồng thời đo và ghi lại số lượng nước tiểu. Tiếp đó lấy khoảng 10ml nước tiểu để làm mẫu phân tích và mang tới phòng xét nghiệm.
- Xét nghiệm soi cặn lắng nước tiểu được thực hiện với mục đích quan trọng như sau:
+ Kiểm tra về tình trạng nhiễm trùng đường tiểu ở người bệnh: Thông thường khi bị nhiễm trùng đường tiểu, nước tiểu sẽ có màu đậm hơn, kèm theo đó là mùi hôi, thậm chí có lẫn máu hoặc mủ trong nước tiểu. Bên cạnh đó là một số biểu hiện như tiểu đau, tiểu buốt, sốt và đau sườn,…
+ Phát hiện và theo dõi điều trị một số bệnh lý khác như bệnh tiểu đường, bệnh về hệ tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang,…), các bệnh lý về gan, tình trạng cao huyết áp, bệnh về nội tiết, tình trạng thai nghén, hay sự bài tiết khi sử dụng thuốc điều trị, nhiễm khuẩn,…
Nhờ vào kết quả xét nghiệm này, các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh lý và theo dõi hiệu quả điều trị bệnh, từ đó điều chỉnh phương thức điều trị nhằm mục đích nâng cao hiệu quả và đẩy nhanh quá trình hồi phục sức khỏe của người bệnh.
Đây cũng là loại xét nghiệm rất dễ thực hiện, không tốn kém. Việc lấy mẫu bệnh phẩm không đòi hỏi nhiều kỹ thuật và an toàn đối với sức khỏe người bệnh. Chính vì thế, xét nghiệm này được sử dụng rất phổ biến.
2. Đánh giá kết quả xét nghiệm soi cặn lắng nước tiểu
Những kết quả bất thường của xét nghiệm soi cặn lắng nước tiểu đều có thể là dấu hiệu của bệnh lý, cụ thể như sau:
-
Ở người khỏe mạnh : Hồng cầu, bạch cầu niệu không có hoặc có rất ít.
-
Soi tươi có 0 - 1 hồng cầu, 0-3 bạch cầu trong một vi trường.
-
Cặn Addis: < 1000 hồng cầu và < 2000 bạch cầu/phút; không có trụ hồng cầu, trụ niệu, trụ bạch cầu.
- Nếu kết quả Soi tươi: 5 hồng cầu/vi trường (+++); Cặn Addis: > 1000 hồng cầu/phút (gọi là đái máu vi thể) hoặc mắt thường có thể nhìn thấy nước tiểu có màu đỏ ( đái máu đại thể ). Nguyên nhân gây bệnh thường là:
+ Bệnh phụ khoa ở nữ giới.
+ Bệnh tiết niệu ở nam và nữ giới.
+ Do đặt ống thông tiểu.
+ Bệnh ung thư tuyến tiền liệt, u biểu mô tuyến.
+ Bệnh viêm bàng quang, ung thư bàng quang.
+ Do nhiễm sán máng bàng quang.
+ Bệnh sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang.
+ Ung thư biểu mô tế bào thận, nang thận.
+ Bệnh lao thận, viêm cầu thận.
+ Một số bệnh lý ít gặp khác như nhồi máu thận, rối loạn đông máu, viêm nội tâm mạc do vi khuẩn,…
- Nếu kết quả Soi tươi: Đái ra BC khi: > 3 - 5 BC/vi trường (+) và Cặn Addis > 2000 BC/phút
Chỉ số bạch cầu trong nước tiểu tăng(còn được gọi là đái ra bạch cầu) có thể là do những nguyên nhân dưới đây:
+ Nhiễm bẩn trong quá trình lấy mẫu. Trong trường hợp cần thiết, có thể lấy mẫu bằng cách đặt ống xông bàng quang để mang lại kết quả chính xác hơn.
+ Đặt ống xông bàng quang lâu ngày: Với những trường hợp này cần sử dụng biện pháp cấy nước tiểu để tìm vi khuẩn.
+ Nhiễm khuẩn nước tiểu: Có thể do một hoặc nhiều mầm bệnh khác nhau. Các loại khuẩn bệnh thường gặp là E.Coli, enterocoques, Klebsiella,…
+ Lao thận, viêm thận.
+ Khối u bàng quang.
- Có nhiều tế bào biểu mô
Nguyên nhân khiến cặn lắng nước tiểu xuất hiện những tế bào biểu mô là do:
- Viêm bàng quang.
- Nhiễm bẩn từ niệu đạo, âm đạo.
- Hay do một số bệnh ở thận như viêm đài bể thận, hoại tử ống thận hoặc do một số loại thuốc điều trị.
Có các trụ niệu
- Trụ biểu mô được hình thành từ các biểu mô trong ống thận: Do một số tổn thương ở thận, tiền sản giật, ngộ độc kim loại,…
- Trụ mỡ được hình thành từ các giọt mỡ: Gặp hội chứng thận hư,…
- Trụ hạt chính là những tế bào hoại tử và protein: Nguyên nhân là do một số bệnh về thận như viêm cầu thận mãn, suy thận cấp, ngộ độc chì, tăng sản tế bào máu ác tính, tăng huyết áp, lao động gắng sức hoặc do nhiễm độc thai nghén.
- Trụ hồng cầu: Nguyên nhân là do bệnh mô tạo keo, tăng sản tế bào ác tính, hội chứng Goodpasture, một số bệnh về thận như viêm thận, viêm cầu thận cấp hay nhồi máu thận,…
- Trụ Hyalin thường phát hiện nếu trong nước tiểu có protein: Nguyên nhân có thể kể đến như protein niệu, nước tiểu có PH acid, suy thận mạn, gắng sức, hay một số bệnh lý về thận,…
- Trụ bạch cầu thường là do các vấn đề viêm nhiễm ở thận, có thể kể đến như viêm đài bể thận, viêm cầu thận hay bệnh thận kẽ,…
Có các tinh thể
- Nguyên nhân có tinh thể trong cặn lắng nước tiểu thường là do một số loại thuốc. Đây cũng chính là cảnh báo về tình trạng sỏi thận. Một số loại tinh thể thường gặp trong nước tiểu có thể kể đến như tinh thể oxalat canxi, tinh thể acid uric, phosphat amoniac – magie hay tinh thể Cystin,…
Tham khảo: https://medlatec.vn/