Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện những bệnh nào?

Xét nghiệm nước tiểu có thể giúp xác định các chất có trong nước tiểu và nồng độ của chúng. Từ đó, phát hiện một số vấn đề như bệnh tiểu đường, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh thận,... Vậy khi nào cần thực hiện xét nghiệm này?

1. Xét nghiệm nước tiểu nên được thực hiện khi nào?

Xét nghiệm nước tiểu được thực hiện để xác định những hợp chất tồn tại trong nước tiểu, từ đó chẩn đoán một số vấn đề sức khỏe và nguyên nhân gây bệnh. Đây là xét nghiệm rất đơn giản, không xâm lấn và đảm bảo an toàn. Dưới đây là những trường hợp cần thực hiện xét nghiệm nước tiểu:

  • Những trường hợp tham gia thăm khám sức khỏe định kỳ, trong đó xét nghiệm nước tiểu chính là một danh mục xét nghiệm bắt buộc. 
  • Trường hợp gặp phải những biểu hiện bất thường có nghi ngờ liên quan đến bệnh nhiễm trùng đường niệu, bệnh thận chẳng hạn như tình trạng đau lưng, đau bụng, tiểu nhiều lần, tiểu ra máu, tiểu buốt,...
  • Người bệnh đang trong quá trình điều trị một số bệnh lý về thận hay bệnh tiểu đường cũng cần thực hiện xét nghiệm nước tiểu. Qua kết quả xét nghiệm này, bác sĩ sẽ đánh giá được mức độ đáp ứng của cơ thể với phương pháp điều trị bệnh và từ đó điều chỉnh phác đồ nếu cần thiết. 
  • Sàng lọc các chất gây nghiện thông qua nước tiểu: Để kiểm tra một người có sử dụng một số loại chất kích thích như cần sa, cocain, heroin, thuốc lắc,... có thể sử dụng phương pháp xét nghiệm nước tiểu.
  • Những bệnh nhân cần thực hiện phẫu thuật thì xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu là hai loại xét nghiệm rất cần thiết. 

2. Một số phương pháp xét nghiệm nước tiểu

Hiện nay có 3 phương pháp xét nghiệm nước tiểu phổ biến. Đó chính là: 

- Phương pháp trực quan: Là phương pháp nhận biết những bất thường của nước tiểu bằng cách quan sát. 

+ Ở những người khỏe mạnh: Màu sắc của nước tiểu thường từ màu vàng nhạt cho đến màu hổ phách. Điều này phụ thuộc vào độ đặc, loãng của mẫu thử. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến màu sắc của nước tiểu như các loại thực phẩm, các loại thuốc,...

+ Ở một số trường hợp phải một số bệnh lý về đường tiết niệu, bệnh lây qua đường tình dục, hay tình trạng mất nước,... thì màu sắc của nước tiểu cũng sẽ thay đổi bất thường chẳng hạn như nước tiểu đục hơn, nước tiểu có bọt, có lẫn máu,...

- Qua kính hiển vi: Các chuyên gia sẽ phân tích mẫu nước tiểu bằng kính hiển vi. Qua đó, có thể quan sát được những bất thường trong nước tiểu chẳng hạn như vi khuẩn, vi trùng, mảnh tế bào, chất nhầy,... Thông thường phương pháp này được áp dụng cho những trường hợp cần kiểm tra hồng cầu, bạch cầu, tìm kiếm vi khuẩn, kiểm tra phôi tiết niệu,...

- Bằng que thử: Các bác sĩ cũng có thể sử dụng que thử để xác định về lượng chất hóa học hiện diện trong nước tiểu. Một số loại xét nghiệm nước tiểu có sử dụng que thử như xét nghiệm thử thai. 

3. Một số lưu ý khi xét nghiệm nước tiểu

  • Một số trường hợp cần lấy mẫu nước tiểu vào lần đi vệ sinh đầu tiên sau khi thức dậy vào buổi sáng sớm. Tuy nhiên, tùy vào mục đích kiểm tra sức khỏe mà các bác sĩ sẽ có những lưu ý cụ thể cho bạn. 
  • Bên cạnh đó, để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác, bạn cũng cần ngừng uống một số loại thuốc trước khi thực hiện lấy mẫu nước tiểu chẳng hạn như thuốc nhuận tràng, vitamin C, Nitrofurantoin,... 
  • Ngoài ra, cũng không nên ăn các loại thực phẩm nhiều màu như thanh long đỏ, củ dền để tránh gây ảnh hưởng đến màu sắc của nước tiểu. Từ đó, làm sai lệch kết quả xét nghiệm. 
  • Những trường hợp đang trong chu kỳ kinh cũng nên cung cấp thông tin cho các bác sĩ. Dịch tiết âm đạo cũng chính là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm nước tiểu.
  • Có thể uống nước lọc nhưng không nên uống quá nhiều để tránh gây loãng nước tiểu. 
  • Lưu ý khi lấy nước tiểu giữa dòng: Cần vệ sinh tay, đồng thời vệ sinh sạch sẽ và lau khô vùng quanh niệu đạo. Đi tiểu một lượng nhỏ vào nhà vệ sinh. Sau đó ngừng giữ dòng và lấy mẫu nước tiểu giữa dòng vào cốc. 

Tham khảo: https://medlatec.vn