Những bệnh có thể chẩn đoán sớm nhờ chụp X-quang phổi

Chụp X-quang phổi là chỉ định thông thường của bác sĩ khi muốn kiểm tra sức khỏe và sàng lọc các bệnh về phổi. Bài viết sẽ cung cấp thông tin cho bạn về cách thức thực hiện, mục đích, yêu cầu giúp bạn hiểu rõ hơn về xét nghiệm này.

1. Chụp X - quang phổi là gì?

Chụp X-quang phổi là kỹ thuật sử dụng máy chụp X- quang tại phòng đặc biệt với bóng phát tia X di chuyển được, gắn vào cần kim loại lớn, người bệnh sẽ được hướng dẫn đứng trước một tấm chứa phim X- quang hoặc một đầu thu đặc biệt có thể ghi lại hình ảnh của tim, phổi, đường thở, mạch máu và hạch bạch huyết.

Để khám phá toàn diện lá phổi thì việc chụp X- quang phổi chỉ là bước khởi đầu cần thiết chứ chưa đem lại kết quả xác thực nhất. Mọi người có thể nhận thấy rõ ràng dựa vào một số ưu và nhược điểm sau đây.

Ưu điểm:

  • Nhanh chóng.
  • Ít tốn kém.
  • Nhìn được toàn thể hai lá phổi, bóng tim, lồng ngực.
  • Nhìn thấy các tổn thương đủ lớn, không bị che lấp trên hai lá phổi.

Nhược điểm:

  • Không thấy được các tổn thương nhỏ hoặc ở giai đoạn sớm trên hai lá phổi.
  • Tổn thương phổi có thể bị che bởi bóng tim, xương sườn,...
  • Khó phát hiện được những tổn thương tại những vị trí khó quan sát như hai đỉnh phổi.
  • Không thấy rõ được những đặc tính bên trong của tổn thương.

Do vậy, chụp X- quang phổi tuy rất hiệu quả trong việc chẩn đoán bước đầu các bệnh lý về phổi, nhưng để có thêm những bằng chứng để đi đến kết luận bệnh các bác sĩ có thể sẽ chỉ định người bệnh làm các xét nghiệm lâm sàng khác.

2. Chụp X-quang phổi biết được bệnh gì?

Khi chụp X-quang máy X-quang sẽ chiếu tia X quang ngực cho ra các hình ảnh cụ thể. Tia X xuyên qua các mô mềm, dịch của cơ thể gặp phim sẽ cho ra hình ảnh phổi, tim, mạch máu và các cấu trúc của thành ngực như xương sườn...

Dựa vào hình ảnh này, bác sỹ có thể kiểm tra, xác định và chẩn đoán sớm một số điều sau:

  • Xác định xem có dịch hay khí bên trong khoang màng phổi hoặc không gian quanh phổi hay không;
  • Chẩn đoán xem người bệnh có gặp các bệnh lý về tim và phổi như: Viêm phổi, xẹp phổi, ung thư,...
  • Nếu bị chấn thương có thể xác định tình trạng xương sườn bị gãy hoặc bị tổn thương.

 

3. Khi nào nên chụp X-quang phổi?

Mặc dù có nhiều mặt hạn chế, nhưng chụp X- quang phổi thông thường vẫn là phương pháp đầu tiên giúp bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh. So với các kỹ thuật thăm khám sức khỏe và chẩn đoán bệnh lý khác chụp X- quang phổi được áp dụng trong khá nhiều trường hợp khác nhau:

  • Kiểm tra tình trạng phổi trong thăm khám sức khỏe định kỳ.
  • Chỉ định khi người bệnh có triệu chứng như: Khó thở, đau tức ngực, chấn thương, ho dai dẳng,..
  • Chẩn đoán sàng lọc bệnh lý nếu nghi có nguy cơ bị chấn thương ngực, dập phổi, viêm phổi, lao phổi, khối u ở phổi, tràn dịch phổi,...
  • Phát hiện các bất thường ở phổi cũng như theo dõi tiến triển trong trường hợp đã có bệnh lý về phổi.
  • Đau nặng sau khi chấn thương hay do bệnh về tim.

 

4. Quy trình chụp X-quang phổi thông thường

Phòng dành để chụp X-quang được thiết kế đặc biệt với thiết bị lắp đặt để ngăn chặn tia X phóng ra ngoài gây ảnh hưởng tới các bệnh nhân khác. Đối với hầu hết các bệnh viện, cơ sở y tế đều có chung một quy trình gồm các bước sau đây.

  • Di chuyển đến phòng chụp theo chỉ dẫn cả bác sĩ hoặc kỹ thuật viên.
  • Bạn sẽ được hướng dẫn đứng gần tấm chứa phim X-quang bên trong hay là một dụng cụ có đầu thu đặc biệt ghi được hình ảnh vào máy tính.
  • Tiếp theo bạn được hướng dẫn cách đứng chụp và nín thở để tăng độ nét cho hình ảnh X-quang.

Sau khi thực hiện chụp xong bạn sẽ có thể trở về hoạt động bình thường. Bác sĩ sẽ đưa ra các giải thích về tình trạng bệnh cho bạn ngay sau khi có kết quả chụp X-quang. Đồng thời, cho bạn biết là bạn có cần thực hiện thêm phương pháp bổ sung nào không.

Trong quá trình chụp thì tia X có thể gây ảnh hưởng đến cơ thể người bệnh. Nhưng bạn hoàn toàn yên tâm khi tiếp xúc vì lượng tia X rất thấp, thậm chí còn thấp hơn tia X mà bạn bị nhiễm khi đi ngoài đường. Do đó, sẽ không gây hại gì đáng kể.

5. Cần lưu ý gì khi chụp X - quang phổi?

Chụp X- quang phổi không gây đau, tuy nhiên để đảm bảo cho kết quả chính xác người bệnh cần lưu ý một số điều sau:

  • Nên mang theo các tóm tắt bệnh án, phiếu xét nghiệm, kết quả chụp X- quang trước đó nếu có để trong một số trường hợp các bác sĩ cần có sự so sánh để đưa ra kết luận.
  • Người bệnh là nữ thì cần thông báo cho bác sĩ nếu có nghi ngờ mang thai hoặc đang mang thai để tránh những ảnh hưởng xấu của tia X đến thai nhi.
  • Người bệnh cần mặc đồ mỏng, nhẹ hoặc mặc áo choàng của cơ sở khám y tế.
  • Tháo bỏ các vật dụng gây ảnh hưởng đến phim chụp như: Vòng, nhẫn, cặp tóc, kính,...

Tham khảo: https://www.vinmec.com