Mãn kinh nữ: Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị

Mãn kinh ở nữ là một hiện tượng sinh lý bình thường khi đến độ tuổi mãn kinh, nguyên nhân do buồng trứng ngừng hoạt động và sự suy giảm nội tiết tố nữ estrogen. Thông thường, mãn kinh sẽ biểu hiện một số triệu chứng thay đổi ở cơ thể người phụ nữ nhưng cũng có thể gây nhiều hệ luỵ ảnh hưởng chất lượng cuộc sống thường ngày và cần tìm đến tư vấn y tế để được hỗ trợ.

Tìm hiểu chung

Mãn kinh là gì? 

Thời kỳ mãn kinh xảy ra khi một người phụ nữ không có kinh nguyệt trong 12 tháng liên tục và không còn khả năng mang thai tự nhiên được nữa.

Tuổi mãn kinh trung bình là 51 (từ 45 đến 55 tuổi), bất cứ người phụ nữ nào cũng sẽ trải qua giai đoạn này khi bước vào độ tuổi mãn kinh, kéo theo những thay đổi về tâm sinh lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày của người phụ nữ.

Tiền mãn kinh là giai đoạn xảy ra từ khi hoạt động buồng trứng giảm và xuất hiện biểu hiện lâm sàng đầu tiên của mãn kinh. Nhiều phụ nữ bắt đầu tiền mãn kinh sau tuổi 40. Những phụ nữ khác có thể không trải qua giai đoạn tiền mãn kinh và đột ngột bước vào thời kỳ mãn kinh. Khoảng 1% phụ nữ bắt đầu mãn kinh trước 40 tuổi, được gọi là mãn kinh sớm hoặc suy buồng trứng nguyên phát.

Quanh mãn kinh là giai đoạn trước mãn kinh và 12 tháng sau kỳ kinh cuối cùng.

Sau mãn kinh dùng để chỉ thời gian sau kỳ kinh cuối cùng; nó cũng được chia thành giai đoạn sớm và muộn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của mãn kinh

Những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt thường bắt đầu trong thời kỳ tuổi 40 của phụ nữ, với sự thay đổi về độ dài chu kỳ kinh nguyệt. Các chu kỳ kinh nguyệt kéo dài liên tục hơn ≥ 7 ngày so với bình thường, xác định tình trạng chuyển mãn kinh sớm. Bỏ qua ≥ 2 chu kỳ xác định tình trạng chuyển mãn kinh muộn.

Các biến động đáng kể của nồng độ estrogen có thể góp phần gây ra các triệu chứng và dấu hiệu tiền mãn kinh khác như:

  • Căng vú;

  • Thay đổi lượng máu kinh;

  • Thay đổi tâm trạng;

  • Cơn đau nửa đầu cấp liên quan đến kinh nguyệt;

  • Các triệu chứng có thể kéo dài từ 6 tháng đến > 10 năm và dao động từ nhẹ đến trầm trọng. Các tình trạng ảnh hưởng đến sức khỏe của buồng trứng, như ung thư hoặc cắt bỏ tử cung, hoặc thói quen hút thuốc, có xu hướng làm tăng mức độ nghiêm trọng và thời gian của các triệu chứng.

Vận mạch:

Cơn bốc hỏa (nóng từng đợt, ra mồ hôi ban đêm) do mất ổn định vận mạch ảnh hưởng từ 75 đến 85% phụ nữ và thường bắt đầu trước khi ngừng kinh nguyệt. Triệu chứng vận mạch kéo dài trung bình 7,4 năm và có thể kéo dài > 10 năm ở một số nhóm phụ nữ).

Phụ nữ cảm thấy ấm hoặc nóng và có thể đổ mồ hôi, đôi khi rất nhiều; tăng nhiệt độ lõi cơ thể. Da, đặc biệt là mặt, đầu và cổ, có thể trở nên đỏ và ấm. Cảm giác này thay đổi theo từng giai đoạn, có thể kéo dài từ 30 giây đến 5 phút, sau đó có thể ớn lạnh. Các cảm giác này có thể biểu hiện vào đêm như đổ mồ hôi ban đêm.

Âm đạo:

Các triệu chứng âm đạo bao gồm khô, quan hệ khó, và đôi khi có kích ứng và ngứa. Khi estrogen giảm sản xuất, niêm mạc âm hộ và âm đạo trở nên mỏng hơn, khô hơn, dễ tổn thương và ít đàn hồi hơn, và các nếp nhăn âm đạo bị mất.

Hội chứng niệu sinh dục của mãn kinh bao gồm các triệu chứng và dấu hiệu do sự thiếu hụt estrogen như:

  • Teo âm đạo và âm hộ;

  • Tiểu són;

  • Tiểu khó;

  • Viêm đường tiết niệu thường xuyên.

Thần kinh - tâm thần:

Thay đổi thần kinh tâm thần (ví dụ giảm tập trung, mất trí nhớ, triệu chứng trầm cảm, lo lắng) có thể thoáng qua cùng với mãn kinh.

Đổ mồ hôi ban đêm có thể góp phần làm mất ngủ, mệt mỏi, khó chịu, và tập trung không tốt vào ban ngày do giấc ngủ bị rối loạn.

Tim mạch:

Sau khi mãn kinh, nồng độ cholesterol lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL) tăng ở phụ nữ. Nồng độ cholesterol lipoprotein tỉ trọng cao (HDL) không thay đổi nhiều. Sự thay đổi nồng độ LDL là nguyên nhân khiến bệnh mạch vành trở nên phổ biến hơn ở phụ nữ sau mãn kinh. Tuy nhiên, những thay đổi này là do lão hóa hay do sự giảm mức estrogen sau mãn kinh vẫn chưa rõ ràng. Khi đến giai đoạn mãn kinh, nồng độ estrogen cao có thể bảo vệ chống lại bệnh động mạch vành.

Cơ xương khớp:

Có đến 20% mật độ xương bị mất trong 5 năm đầu sau mãn kinh. Sau giai đoạn mất xương nhanh này, tuổi liên quan đến tỷ lệ mất xương ở phụ nữ tương tự so với nam giới.

Các triệu chứng khác:

  • Tóc mỏng hoặc rụng;

  • Tăng mọc lông trên các vùng khác của cơ thể, chẳng hạn như mặt, cổ, ngực và lưng trên;

  • Giảm khối lượng cơ;

  • Ngực kém đầy đặn;

  • Đi tiểu nhiều;

  • Khô da;

  • Tăng cân.

Biến chứng có thể gặp khi mãn kinh

  • Teo âm hộ;

  • Chức năng trao đổi chất chậm hơn;

  • Loãng xương;

  • Bệnh tim mạch,…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nên đi khám định kỳ khi ở độ tuổi tiền mãn kinh hoặc khi có các triệu chứng mãn kinh gây ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến mãn kinh

Tuổi tác: Mãn kinh là giai đoạn sinh lý tự nhiên trong cuộc đời mỗi người. Do đó, khi trải qua các giai đoạn như dậy thì, sinh sản, tiền mãn kinh thì người phụ nữ sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn mãn kinh.

Trong một số trường hợp, mãn kinh là do chấn thương hoặc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng và các cấu trúc vùng chậu liên quan. 

Các nguyên nhân phổ biến gây ra mãn kinh bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ tử cung: Phẫu thuật cắt bỏ cả 2 tử cung lẫn 2 buồng trứng sẽ gây ra tình trạng mãn kinh, với trường hợp này sẽ không có giai đoạn tiền mãn kinh.

  • Hoá trị và xạ trị: Các liệu pháp điều trị ung thư ở nữ giới cũng có thể gây mãn kinh. Với nguyên nhân này, mãn kinh sẽ xảy ra sau một thời gian tiền mãn kinh từ vài tháng hoặc có thể đến vài năm.

  • Suy buồng trứng sớm: Buồng trứng chính là cơ quan sinh sản giúp nuôi dưỡng trứng trưởng thành để rụng và thụ thai. Suy buồng trứng sớm là hiện tượng buồng trứng bị lão hóa trước tuổi, ngừng hoạt động chức năng ở phụ nữ từ sau tuổi dậy thì và trước 40 tuổi.

  • Chấn thương vùng chậu làm tổn thương nghiêm trọng hoặc phá hủy buồng trứng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ bị mãn kinh?

  • Phụ nữ đến độ tuổi mãn kinh (tuổi trung bình từ 45 – 55 tuổi);

  • Người phẫu thuật cắt bỏ tử cung;

  • Hóa trị, xạ trị do ung thư;

  • Suy buồng trứng sớm.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mãn kinh (gây mãn kinh sớm)

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc mãn kinh, bao gồm:

  • Do yếu tố di truyền;

  • Người hút thuốc lá;

  • Người có chế độ ăn chay, ít tập thể dục, ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời;

  • Bệnh tự miễn: Bệnh về tuyến giáp, thấp khớp.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán mãn kinh

Chẩn đoán mãn kinh dựa vào lâm sàng, ít khi đo nồng độ FSH. Thời kỳ mãn kinh được xác nhận khi phụ nữ không có kinh nguyệt trong 12 tháng.

Khám vùng chậu được thực hiện; bệnh nhân nếu bị teo âm hộ và âm đạo giúp hỗ trợ chẩn đoán mãn kinh. 

Có thể xét nghiệm nồng độ FSH, nhưng xét nghiệm này hiếm khi cần thiết, ngoại trừ ở phụ nữ đã cắt bỏ tử cung và ở những phụ nữ trẻ hơn tuổi bị mãn kinh. Nồng độ cao xác nhận mãn kinh.

Những phụ nữ sau mãn kinh nên được sàng lọc loãng xương:

  • Những người có nguy cơ gãy xương cao (ví dụ, dựa trên Công cụ đánh giá rủi ro gãy xương - FRAX).

  • Những người có tiền sử rối loạn ăn uống, sử dụng corticosteroid kéo dài, phẫu thuật dạ dày, bệnh Crohn, hoặc hội chứng kém hấp thu.

  • Tất cả phụ nữ > 65.

Phương pháp điều trị mãn kinh hiệu quả

Bạn có thể cần điều trị nếu các triệu chứng nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Điều trị mãn kinh là điều trị triệu chứng (ví dụ, để làm giảm cơn nóng và triệu chứng do teo âm hộ âm đạo). Điều trị cũng có thể bao gồm việc ngăn ngừa mất xương.

Thay đổi lối sống

Tập thể dục, yoga, thư giãn.

Đối với dấu hiệu bốc hoả, những điều sau đây có thể giúp ích:

  • Tránh các yếu tố kích thích (ví dụ như đèn sáng chói, chăn bông, phản ứng cảm xúc có thể dự đoán).

  • Làm mát môi trường (ví dụ, giảm nhiệt, sử dụng quạt).

Thuốc bổ sung và thay thế

Một sản phẩm từ đậu nành, S-equol, đã được báo cáo là làm giảm các cơn bốc hỏa.

Liệu pháp hormone

Liệu pháp nội tiết (estrogen, progestogen, hoặc cả hai) là cách điều trị hiệu quả nhất cho các triệu chứng mãn kinh ở phụ nữ dưới 60 tuổi hoặc trong vòng 10 năm kể từ khi bắt đầu mãn kinh, để giảm hoặc kiểm soát: Đổ mồ hôi đêm, đỏ bừng mặt, teo âm đạo, loãng xương. Cần có sự hướng dẫn của bác sĩ để xác định loại thuốc, liều, đường dùng và thời gian thích hợp nhất dựa trên mục tiêu điều trị và rủi ro sức khoẻ cá nhân.

Các thuốc hoạt tính thần kinh

Trong những thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs), ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRIs), và gabapentin đã được chứng minh là có hiệu quả vừa phải trong việc làm giảm các cơn bốc hỏa. Một liều thấp của paroxetine có thể được sử dụng đặc hiệu cho triệu chứng bốc hoả. Tuy nhiên, tất cả các loại thuốc này ít hiệu quả hơn so với liệu pháp hormone.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của mãn kinh

Chế độ sinh hoạt:

  • Tập thể dục thường xuyên.

  • Tránh stress.

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, giàu chất xơ, hạn chế chất béo no.

  • Uống bổ sung các loại vitamin như: Canxi, vitamin D và magie.

  • Các chất bổ sung và chất dinh dưỡng tự nhiên có thể giúp hạn chế các triệu chứng mãn kinh bao gồm: Đậu nành, vitamin E, isoflavone, melatonin, hạt lanh.

  • Hạn chế các chất kích thích như thuốc lá, rượu, caffein.

Phương pháp phòng ngừa các rối loạn tiền mãn kinh và mãn kinh hiệu quả

  • Thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt cho hợp lý.

  • Khám sức khỏe định kỳ ở độ tuổi tiền mãn kinh.

Tham khảo: https://nhathuoclongchau.com.vn