Đi ngoài ra máu là bệnh gì ? Chữa bệnh đi ngoài ra máu như thế nào ?
Đi ngoài ra máu, dù là máu tươi hay máu có màu gì đi nữa thì cũng gây nhiều hoang mang, lo lắng, không biết bản thân có đang bị bệnh gì nguy hiểm không và điều trị như thế nào là tốt nhất.
Nguyên nhân khiến bạn đi ngoài ra máu thường là do có sự xuất huyết ở một bộ phận nào đó trong đường tiêu hóa. Đây là một triệu chứng tương đối nguy hiểm, có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng nên bạn cần hết sức cảnh giác khi gặp phải.
Hiện tượng đi ngoài ra máu: Bạn đừng nên xem thường!
Đi ngoài ra máu là hiện tượng phân có lẫn máu hoặc đi ngoài ra máu cuối bãi. Cụ thể, bạn có thể nhận thấy:
- Máu xuất hiện trên giấy vệ sinh khi bạn lau hậu môn sau khi đi ngoài
- Máu trong bồn cầu khi đang đi ngoài, nước trong bồn cầu có thể bị nhuộm đỏ
- Phân có lẫn máu. Máu có thể có màu đỏ tươi, máu đen như hắc ín hoặc màu đỏ sẫm.
Màu sắc của máu khi đi ngoài có thể phần nào giúp bạn nhận biết vị trí bị xuất huyết trong đường tiêu hóa. Nếu máu có màu:
- Đỏ tươi: Bạn có thể bị chảy máu trong ruột kết, trực tràng hoặc hậu môn
- Đỏ sẫm hoặc màu hạt dẻ: Bạn có thể bị chảy máu ở ruột kết hoặc ruột non
- Đen như hắc ín: Bạn có thể bị xuất huyết đường tiêu hóa trên, chẳng hạn như dạ dày, thực quản.
Đi ngoài ra máu có thể gây nhiều hoang mang, lo lắng về nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm. Thực tế, tình trạng này có thể chỉ là một triệu chứng nhỏ của các bệnh lý thường gặp về đường tiêu hóa như trĩ, táo bón kinh niên và có thể điều trị dễ dàng.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp là dấu hiệu cảnh báo ung thư. Do đó, tốt nhất, bạn cần theo dõi kỹ các triệu chứng của cơ thể. Nếu có bất thường thì cần đi khám và điều trị sớm.
Đi ngoài ra máu là bệnh gì? 8 nguyên nhân thường gặp
1. Đi ngoài ra máu tươi do bệnh trĩ
Đi ngoài ra máu tươi là triệu chứng sớm nhất của bệnh trĩ. Ở giai đoạn đầu, máu chỉ lẫn trong phân hoặc thấm vài giọt trên giấy vệ sinh. Càng để lâu, hiện tượng đi ngoài ra máu tươi sẽ càng nặng, kèm theo đó là các triệu chứng của bệnh trĩ như đau rát hậu môn, ngứa hậu môn, xuất hiện cục u, tiết dịch nhiều và bị rỉ phân…
2. Táo bón đi ngoài ra máu do nứt hậu môn
Tình trạng đi ngoài ít, khó khăn, đau đớn do phân khô, cứng diễn ra thường xuyên khi bị táo bón có thể tạo áp lực lên hậu môn, khiến hậu môn bị kéo căng, rách và chảy máu.
Hầu hết các vết rách thường tự lành khi bạn đã kiểm soát được táo bón. Để vết nứt nhanh lành, bạn có thể chú ý uống nhiều nước và ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ trị táo bón để dễ đi ngoài.
3. Viêm dạ dày ruột
Bệnh lý về đường tiêu hóa do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây ra. Viêm dạ dày ruột có thể gây tiêu chảy ra máu, phân có thể có lẫn dịch nhầy.
Để điều trị, bạn cần chú ý uống nhiều nước, nếu triệu chứng không giảm sau 1 – 2 ngày thì cần đi khám. Tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh là vi khuẩn hay virus mà bác sĩ có thể cho dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus.
4. Xuất huyết đường tiêu hóa trên
Nếu “thủ phạm” là do xuất huyết đường tiêu hóa trên, bạn sẽ thấy phân có màu đen như hắc ín. Thông thường, nguyên nhân gây xuất huyết là do bệnh loét dạ dày tá tràng. Đối với trường hợp này, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và có cách điều trị phù hợp.
5. Bệnh viêm ruột (IBD)
Tình trạng viêm sưng ở ruột non hoặc ruột già. Có 2 loại viêm ruột là bệnh Crohn và viêm đại tràng. Triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh lý này là sốt, tiêu chảy, đau bụng, phân có máu đỏ tươi hoặc đỏ thẫm, cũng có trường hợp đi ngoài có máu đen.
6. Viêm túi thừa
Túi thừa là một bất thường xảy ra khi thành ruột kết bị yếu và phồng ra như những túi nhỏ. Khi các túi này bị đỏ và sưng thì có thể dẫn đến viêm túi thừa.
Trong quá trình tiêu hóa, túi thừa có thể bị cọ xát dẫn đến chảy máu, máu có thể lẫn vào phân. Tình trạng chảy máu kéo dài liên tục hoặc xảy ra gián đoạn đi cùng với đó là các triệu chứng như đau quặn ở vùng bụng dưới, đầy hơi, sốt, ớn lạnh, chán ăn và buồn nôn.
7. Polyp
Polyp là một khối u nhỏ xuất hiện trên niêm mạc đường ruột. Có nhiều loại polyp khác nhau, trong đó polyp trên niêm mạc đại tràng là phổ biến nhất với khoảng 25% người từ 50 tuổi trở lên mắc phải.
Polyp thường không có triệu chứng rõ rệt nhưng một số trường hợp có thể gây ra tình trạng đi ngoài ra máu. Máu có thể có màu đỏ tươi, đỏ sẫm hoặc có màu đen. Polyp có nguy cơ phát triển thành ung thư, do đó, nếu nghi ngờ mình đang gặp phải tình trạng này thì cần đi khám sớm.
8. Ung thư đại trực tràng
Đi ngoài ra máu có thể là triệu chứng của ung thư đại trực tràng. Khi đi ngoài, phân có thể có màu đỏ tươi, đỏ sẫm hoặc có màu đen đi cùng với đó là các triệu chứng bất thường như đau bụng, táo bón thường xuyên, thay đổi thói quen đại tiện, buồn nôn, nôn ói, sút cân không rõ nguyên nhân…
Ung thư đại trực tràng là bệnh lý nguy hiểm, thường gặp nhiều ở người trên 50 tuổi. Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào kể trên thì nên sớm đi khám. Việc phát hiện và điều trị sớm ung thư đại trực tràng sẽ giúp tăng tỷ lệ chữa khỏi thành công.
Đi ngoài ra máu đỏ tươi có nguy hiểm hơn so với máu đen hoặc máu thẫm?
Máu ở trong đường tiêu hóa càng lâu thì sẽ càng sẫm màu hơn do tiếp xúc nhiều với các chất hóa học trong đường tiêu hóa.
Nếu đi ngoài ra máu đỏ tươi, điều đó có thể có nghĩa là bạn có nhiều khả năng bị xuất huyết ở đường tiêu hóa dưới hoặc máu di chuyển nhanh trong cơ thể.
Nhìn chung, có nhiều nguyên nhân lành tính gây ra tình trạng đi ngoài ra máu tươi hơn là máu sậm màu. Do đó, trái với suy nghĩ của nhiều người, phân có lẫn máu màu đỏ sậm thường sẽ cần được quan tâm nhiều hơn.
Làm gì khi bị đi ngoài ra máu?
Khi thấy có máu lẫn trong phân, tốt nhất bạn nên theo dõi kỹ. Rất nhiều người thắc mắc đi ngoài ra máu có tự khỏi không, đi ngoài ra máu uống thuốc gì thì câu trả lời là tùy thuộc vào nguyên nhân.
Đi ngoài ra máu có thể tự ngừng nhưng tốt nhất bạn cần chú ý theo dõi các biểu hiện của cơ thể và tình trạng ra máu.
Nếu nghi ngờ mình bị nứt hậu môn do táo bón dẫn đến đi ngoài ra máu thì cần chú ý ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ trị táo bón như rau củ (rau bina, cải xoăn, rau dền…), trái cây (bơ, táo, mận, kiwi…), các loại hạt, ngũ cốc và uống nhiều nước (1,5 – 2l mỗi ngày) để việc đi ngoài diễn ra dễ dàng.
Còn nếu triệu chứng này diễn ra thường xuyên, liên tục hoặc có các triệu chứng bất thường khác thì hãy sắp xếp thời gian đi khám. Ngoài ra, bạn nên đi khám ngay nếu có các triệu chứng như:
- Buồn nôn, nôn, sốt
- Tình trạng máu lẫn trong phân kéo dài hơn 2 tuần
- Đau bụng, sưng bụng, sờ thấy cục u trong bụng
- Mệt mỏi, sức khỏe suy giảm, sút cân không rõ nguyên nhân
- Thay đổi thói quen đại tiện.
Khi đi khám, bác sĩ có thể hỏi về thời gian đi ngoài, thực phẩm đã ăn, tình trạng đi ngoài… Ngoài ra, có thể tiến hành khám sức khỏe trực tràng và hậu môn, nội soi đại tràng, xét nghiệm phân để tìm ra nguyên nhân.
Tùy thuộc vào nguyên nhân sẽ có cách điều trị phù hợp. Đối với trường hợp nhẹ thì có thể điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn, sinh hoạt. Còn với các trường hợp nghiêm trọng thì có thể dùng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa.
Tham khảo: hellobacsi.com