Danh mục khám sức khỏe cho người lao động gồm những gì?

Khám sức khỏe định kỳ là chế độ phúc lợi dành cho người lao động, được doanh nghiệp tổ chức hàng năm. Kết quả của hoạt động khám sức khỏe là cơ sở để doanh nghiệp đánh giá tình trạng sức khỏe của người lao động có đáp ứng yêu cầu công việc hay không. Từ đó doanh nghiệp sẽ có những phương án bố trị nhân sự phù hợp. 

Danh mục khám sức khỏe cho người lao động cần có những danh mục nào để có thể đánh giá toàn diện sức khỏe của nhân viên? Hãy cùng chúng tôi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé.

1. Tìm hiểu về khám sức khỏe cho người lao động

Đối với người lao động, khám sức khỏe định kỳ là cơ hội để người lao động hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của bản thân. Thông qua kết quả thăm khám, người lao động sẽ có thể phát hiện các bất thường (nếu có) và điều trị kịp thời.

Hoạt động khám sức khỏe định kỳ được quy định và hướng dẫn thực hiện thông qua nhiều văn bản pháp luật. Người lao động sẽ được hưởng chế độ khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm. Đối với người lao động làm việc trong môi trường độc hại hay nguy hiểm, người lao động cao tuổi, người chưa vị thành niên hay người lao động khuyết tật, hoạt động khám sức khỏe định kỳ sẽ được thực hiện ít nhất 6 tháng/lần

2. Các quy định về thực hiện danh mục khám sức khỏe cho người lao động

Chi phí tổ chức khám sức khỏe định kỳ được tính vào chi phí phúc lợi của doanh nghiệp. Theo đó, mỗi doanh nghiệp sẽ có mức chi khác nhau cho hoạt động khám sức khỏe cho người lao động. Vì thế, doanh nghiệp sẽ có thể tùy chọn nhiều danh mục khám khác nhau trong gói khám định kỳ. 

2.1. Danh mục khám sức khỏe cho người lao động theo Thông tư 14

Thông tư 14/2013/TT-BYT bao gồm những quy định chung về hoạt động khám sức khỏe, bao gồm cả khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Theo đó, việc khám định kỳ cho người lao động bắt buộc phải có những danh mục cơ bản sau:

  • Khám thể lực: Đo chỉ số chiều cao, cân nặng, kiểm tra mạch đập, chỉ số huyết áp, tính chỉ số BMI.
  • Khám lâm sàng: Khám thị lực, tai mũi họng, răng hàm mặt, khám da liễu, khám ngoại khoa, nội khoa (cơ xương khớp, tuần hoàn, hô hấp…). Người lao động nữ sẽ được có thêm danh mục khám sản và phụ khoa.
  • Khám cận lâm sàng: Thực hiện xét nghiệm huyết học, sinh hóa, X-quang. 

Trong trường hợp, doanh nghiệp có tính chất đặc thù và có bộ tiêu chuẩn riêng về yêu cầu sức khỏe thì danh mục khám của doanh nghiệp sẽ bao gồm những nội dung khám đáp ứng bộ tiêu chuẩn sức khỏe của chuyên ngành đó.

2.2. Danh mục khám sức khỏe cho người lao động nên bổ sung những nội dung nào?

Bên cạnh những danh mục khám cơ bản nói trên, doanh nghiệp có thể bổ sung một số danh mục khám dưới đây để có thể đánh giá sức khỏe người lao động chuyên sâu hơn.

  • Kiểm tra thính lực: Nên áp dụng trong khám tuyển đầu vào, có thể kiểm tra hàng năm nếu môi trường có mức độ tiếng ồn cao, người lao động thấy khó chịu với tiếng ồn ở nơi làm việc.
  • Siêu âm tổng quát ổ bụng: Danh mục này sẽ giúp phát hiện các tổn thương của các cơ quan trong ổ bụng: gan mật, tụy, lá lách, thận, bàng quang, tuyến tiền liệt, tử cung, buồng trứng…
  • Điện tâm đồ nên thực hiện định kỳ 1 – 3 năm/lần. Thông qua kết quả điện tim, chúng ta có thể biết được khả năng bơm máu của tim, biết được nhịp điệu và tốc độ co bóp của tim, qua đó có thể phát hiện được bất thường về tim mạch.
  • Xét nghiệm tế bào cổ tử cung (Pap smear): Danh mục này thường áp dụng đối với phụ nữ đã có gia đình hoặc đã có quan hệ tình dục. Đây là xét nghiệm giúp phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung. Danh mục này có thể định kỳ thực hiện 2 năm/lần cùng với các đợt khám phụ khoa.
  • Xét nghiệm virus viêm gan: Viêm gan là bệnh rất phổ biến tại Việt Nam nên doanh nghiệp có thể cân nhắc đưa xét nghiệm này vào gói gói định kỳ. 
  • Xét nghiệm sàng lọc ung thư: Các xét nghiệm này thực hiện với mẫu máu bệnh phẩm và có thể tầm soát nhiều loại ung thư khác nhau. Danh mục này phù hợp nhất với những đối tượng phát hiện các u, hạch bất thường trên cơ thể.

3. Một số lưu ý cần ghi nhớ khi tham gia khám sức khỏe

Để việc thăm khám diễn ra thuận lợi, người lao động cần phải lưu ý những vấn đề sau:

  • Để bụng rỗng trước khi thực hiện xét nghiệm máu ít nhất 6 tiếng.
  • Cần nhìn ăn tối thiểu 6 tiếng và nên nhịn tiểu trước khi thực hiện siêu âm ổ bụng.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ để thăm khám răng hàm mặt.
  • Hạn chế thức khuya, sử dụng chất kích thích trước khi khám sức khỏe.
  • Nữ giới cần đi tiểu trước khi khám phụ khoa bằng kỹ thuật siêu âm đầu dò.
  • Nữ giới đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai không được khuyến khích chụp X-quang. Bạn nên thông báo với kỹ thuật viên để có các chỉ dẫn về sức khỏe.
  • Nữ giới không thực hiện khám sức khỏe khi đang trong kỳ kinh nguyệt.

Một danh mục khám sức khỏe được thiết kế khoa học sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá chính xác về tình trạng sức khỏe của người lao động. Vì thế, doanh nghiệp nên cân nhắc lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có năng lực xây dựng danh mục khám phù hợp với đặc thù hoạt động của công ty.

Tham khảo: benhvienthucuc

.