Chăm sóc răng miệng cho trẻ theo từng độ tuổi

Vệ sinh răng miệng cho trẻ, đặc biệt là khi trẻ đã bắt đầu ăn dặm không những hạn chế tình trạng sâu răng mà còn giúp bé có hàm răng khỏe và đẹp. Chăm sóc răng miệng như thế nào đúng với sự phát triển của trẻ được nhiều người quan tâm. Sau đây là những hướng dẫn chăm sóc răng miệng cho trẻ theo từng độ tuổi.

Từ 6 - 8 tháng tuổi

Những răng sữa đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện trên cung hàm. Bên cạnh việc bú sữa mẹ trẻ còn được bổ sung dinh dưỡng bằng cách ăn dặm. Chính sữa mẹ là “nước súc miệng” tốt nhất cho trẻ.

Độ tuổi từ 2 - 3 tuổi

Các răng cối sữa lần lượt mọc lên trên cung hàm. Đây chính là thời điểm ba mẹ áp dụng biện pháp chải răng đúng cách để làm sạch khoang miệng cho trẻ.

  • Chọn bàn chải: Bàn chải nhỏ, loại mềm với chất lượng tốt nhất.

  • Kem đánh răng: Ba mẹ nên chọn những tuýp kem đánh răng chứa fluor với những hương vị trái cây để kích thích sự thích thú của trẻ đối với vệ sinh răng miệng.

  • Hướng dẫn chải răng: Cầm bàn chải bằng ngón tay, giống với tư thế cầm bút. Di chuyển bàn chải một cách nhẹ nhàng theo chiều dọc từ trên xuống dưới. Để góc bàn chải hợp với nướu trẻ một góc 450.

  • Vệ sinh nướu bằng gạc mềm thấm nước muối sinh lý.

Khi trẻ từ 3 - 6 tuổi

Quá trình mọc răng sữa kết thúc với sự xuất hiện đầy đủ của 20 chiếc răng trên các cung hàm khi trẻ lên 3 hoặc 4 tuổi. Lúc bấy giờ, bé đã có thể tự mình đánh răng, ba mẹ chỉ cần giám sát và duy trì thói quen đánh răng mỗi 2 lần một ngày cho trẻ.

  • Ba mẹ nên mua cho bé những loại kem đánh răng có chứa thành phần fluor để ngăn ngừa sâu răng. Bàn chải loại lông mềm nên thay mới mỗi 6 tháng/ 1 lần.

  • Ba mẹ dạy bé súc miệng bằng nước lọc sau khi ăn bánh kẹo, uống sữa.

  • Ba mẹ nhắc nhở bé chải răng 2 lần mỗi ngày: Vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy. Lúc bé chải răng, ba mẹ nên quan sát và kiểm tra xem liệu bé có đánh đúng theo cách này không: Đánh mặt ngoài cùng với chiều mọc răng (chiều dọc), mặt nhai qua lại theo chiều ngang. Đánh mặt trong theo chiều dọc. Tránh bỏ sót mặt lưỡi.

  • Nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng được khuyên dùng sau khi đánh răng để tăng hiệu quả làm sạch, thơm tho khoang miệng. 

Trẻ từ 6 - 9 tuổi

  • Ba mẹ tiếp tục quan sát và giám sát quy trình vệ sinh răng miệng ở trẻ. Kiểm tra răng miệng bé thường xuyên để phát hiện sớm các bất thường bệnh lý nếu có (sâu răng) hoặc những thay đổi sinh lý (răng lung lay, mầm răng nhú lên) để kịp thời đưa trẻ đi nha sĩ. Đây cũng là độ tuổi bé bắt đầu mọc răng vĩnh viễn và thay răng sữa.

  • Thời gian chải răng lí tưởng là từ 2-3 phút. Nếu chải ít hơn sẽ khó làm sạch hoàn toàn được mảnh vụn thức ăn, còn đánh lâu hơn dễ làm cho răng bị mòn.

Thói quen rất khó để sửa đổi, do đó ba mẹ phải hướng dẫn trẻ đến từng chi tiết.

  • Chỉ nha khoa được khuyến khích dùng cho trẻ ở giai đoạn này để làm sạch kẽ răng. Thói quen dùng tăm để xỉa răng là không tốt, vì có nguy cơ gây thưa răng.

  • Giáo dục trẻ tạo nên thói quen vệ sinh răng miệng là một vấn đề thách thức đối với bậc làm cha mẹ. Do đó, ba mẹ nên chọn cho mình những phương pháp thật thông minh để dạy bảo con nhỏ.

Trẻ nên đi khám răng định kỳ 6 tháng một lần. Nha sĩ có thể lên lịch thăm khám thường xuyên hơn, chẳng hạn như 3 tháng một lần. Điều này có thể xây dựng sự thoải mái và tự tin ở trẻ. Việc khám răng định kỳ cho trẻ cũng có thể giúp bạn theo dõi sự phát triển của răng và kịp thời phát hiện các bất thường.

Tham khảo: https://soyte.namdinh.gov.vn/