Bệnh gút (gout) và cách phòng ngừa, điều trị hiệu quả

Bệnh gút (gout), trong Đông Y gọi là ‘’thống phong’’, là một trong những bệnh viêm khớp gây đau đớn nhất. Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh gút chiếm 0,14% dân số năm 2003 nhưng tăng lên đến 1,0% dân số (khoảng 940.000 bệnh nhân) vào năm 2014. 95% các trường hợp gút xảy ra ở nam giới, độ tuổi thường gặp là 30-60 tuổi.

Bệnh gút là gì?

Bệnh gút là bệnh lý rối loạn chuyển hóa acid uric làm cho nồng độ acid uric trong máu tăng cao dẫn đến hình thành các tinh thể acid uric. Các tinh thể này lắng đọng tại các khớp gây sưng, nóng, đỏ, đau.

Bệnh thường ảnh hưởng đến các khớp đơn lẻ (thường là khớp ngón chân cái). Các đợt bùng phát gây ra các cơn gút cấp và những lúc không có triệu chứng, được gọi là thuyên giảm. Các cơn gút lặp đi lặp lại có thể dẫn đến viêm khớp gút.

Bệnh gút có nguy hiểm không?

Bệnh gút không đơn thuần chỉ là tình trạng viêm khớp gây đau đớn và ảnh hưởng đến chức năng vận động, nếu nặng sẽ có thể gây tàn phế. Một số trường hợp gút lâu năm, các cục u (hạt tophi) quá to sẽ làm bệnh nhân mặc cảm, cản trở hoạt động của khớp và có thể vỡ gây nguy cơ nhiễm khuẩn cao, dẫn đến viêm khớp nhiễm khuẩn.

Khi nồng độ acid uric máu tăng cao, nó không chỉ kết tinh và lắng đọng ở khớp mà còn có thể lắng đọng ở thận gây sỏi thận, viêm thận kẽ và suy thận. Một số nghiên cứu cho thấy nếu nồng độ acid uric trong máu tăng cao kéo dài sẽ làm tăng gấp nhiều lần nguy cơ mắc các hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh gan và thận.

Các biện pháp điều trị bệnh gút

Nguyên tắc điều trị gút:

  • Điều trị viêm khớp trong cơn gút cấp.
  • Dự phòng tái phát cơn gút, dự phòng lắng đọng urat trong các mô và dự phòng biến chứng thông qua điều trị hội chứng tăng acid uric máu với mục tiêu kiểm soát acid uric máu dưới 360 mmol/l (60 mg/l) với gút chưa có nốt tophi và dưới 320 mmol/l (50 mg/l) với gút có nốt tophi.

Điều trị cụ thể

Chế độ ăn uống - sinh hoạt cho người bị gút:

  • Tránh các chất có nhiều purin như tạng động vật, thịt, cá, tôm, cua, … Có thể ăn trứng, hoa quả. Ăn thịt không quá 150 gram mỗi ngày.
  • Không uống rượu, cần giảm cân, tập luyện thể dục thường xuyên.
  • Uống nhiều nước, khoảng 2-4 lít nước mỗi ngày.
  • Tránh các thuốc làm tăng acid uric máu, tránh các yếu tố làm khởi phát cơn gút cấp như căng thẳng, chấn thương, …

Điều trị nội khoa

  • Thuốc kháng viêm (NSAIDs, corticosteroid, colchicin): dùng trong giai đoạn cơn gút cấp để giảm viêm.
  • Thuốc giảm acid uric máu (allopurinol, febuxostat): dùng trong giai đoạn mãn tính để tránh tái phát cơn gút cấp.

Điều trị ngoại khoa:

Phẫu thuật cắt bỏ nốt tophi được chỉ định trong trường hợp:

  • Gút kèm biến chứng loét.
  • Bội nhiễm nốt tophi.

Nốt tophi kích thước lớn, ảnh hưởng đến vận động hoặc vì lý do thẩm mỹ.

Khi phẫu thuật cần dùng colchicin nhằm tránh khởi phát cơn gút cấp và kết hợp thuốc giảm acid uric máu.

Phòng ngừa bệnh gút bằng chế độ ăn uống hợp lý

  • Tránh ăn nội tạng.
  • Tránh ăn hải sản và thịt đỏ.
  • Ăn ít chất béo bão hòa và các sản phẩm chứa ít chất béo.
  • Giảm sử dụng các thức uống có cồn, đặc biệt là bia rượu.
  • Không uống cà phê, trà, nước uống có ga.
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ.
  • Uống nhiều nước: uống từ 2,5–3 lít nước mỗi ngày.

Đối tượng nguy cơ bệnh gút

  • Nam giới.
  • Tăng huyết áp, béo phì.
  • Uống nhiều rượu.
  • Chế độ ăn thực phẩm có chứa nhiều purin như: gan, thận, tôm, cua, lòng đỏ trứng, nấm…

Nếu có yếu tố nguy cơ trên, cần đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh

Khi có một trong các dấu hiệu sau đây, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị.

  • Sưng đau khớp bàn ngón chân cái: đỏ, phù nề, căng bóng, nóng, đau dữ dội ngày càng tăng, va chạm nhẹ cũng rất đau.
  • Thay đổi thứ tự khớp đau: bàn chân, cổ chân, gối, bàn tay, cổ tay, khuỷu tay…
  • Nổi hạt tô phi (septic tophi) ở sụn vành tai, khuỷu tay, ngón chân cái, gót chân, mu bàn chân, gân Achille.

 

Bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị. 

Tham khảo: https://suckhoedoisong.vn/