Tầm quan trọng và phương pháp giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ

Giáo dục giới tính cho trẻ không đúng cách sẽ gây phản tác dụng. Do đó, các bậc phụ huynh và giáo viên cần hiểu đúng và đủ về vấn đề này nhằm giúp quá trình tiếp thu và vận dụng của trẻ đạt hiệu quả tốt nhất.

Với sự phát triển mạnh mẽ về thông tin và mạng xã hội, việc giáo dục giới tính đúng cách và đúng lúc cho trẻ là cực kỳ cần thiết, nhằm tạo cho trẻ có kiến thức nền tảng để bảo vệ chính bản thân mình. Trong bài viết dưới đây, sẽ giúp bạn có cái nhìn đầy đủ hơn về vấn đề này, từ đó có định hướng đúng đắn cho trẻ.

Giáo dục giới tính là gì?

Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ giáo dục giới tính là gì. Thực chất, khái niệm này dùng để chỉ việc truyền tải và tiếp thu các kiến thức về giới tính, hình thành thái độ, hành vi chuẩn mực về giới, từ đó hiểu rõ về giá trị của bản thân và người khác. Một số nội dung giáo dục như: Thay đổi cơ thể khi dậy thì, sức khỏe tình dục, ranh giới của các mối quan hệ tình bạn và tình yêu khác giới… Thông qua đó, trẻ có thể nhận thức được mức độ ảnh hưởng của hành động mình và biết cách bảo vệ quyền của bản thân.

Hiện nay, cách giáo dục giới tính cho trẻ chủ yếu vẫn là từ bố mẹ hoặc người chăm sóc trực tiếp. Ngoài ra, ở một số trường học, vấn đề này cũng được đưa ra để định hướng suy nghĩ và hành động của trẻ, phù hợp với từng lứa tuổi. Trong chương trình dạy học của sách giáo khoa cũng có một số tiết học liên quan.

Tuy nhiên, trên thực tế, tại Việt Nam, việc giáo dục giới tính vẫn chưa đáp ứng được nhiều hiệu quả như kỳ vọng. Sự ngại ngùng từ chính cả người lớn và trẻ nhỏ khiến việc truyền tải không đầy đủ hoặc sai cách. Nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, điều này càng trở nên khó khăn hơn. Do đó khiến nhiều trẻ hiểu sai về giới tính và tình dục, làm tăng tỷ lệ trẻ bỏ học và xảy ra tệ nạn, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của xã hội.

Tại sao giáo dục giới tính cho trẻ em là điều cần thiết?

Việc giáo dục giới tính cho trẻ được xem là rất cần thiết. Dưới đây là những lý do được các chuyên gia đưa ra nhằm lý giải tại sao các bậc phụ huynh không nên lơ là với vấn đề này:

Giúp trẻ có những hiểu biết về vấn đề sinh lý của bản thân

Khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ sẽ có thay đổi bên ngoài cơ thể và cả những thay đổi về tâm sinh lý ở bên trong. Điều này khá lạ lẫm, bỡ ngỡ với trẻ, làm cho trẻ có xu hướng tò mò và muốn khám phá. Do đó, người lớn cần có sự định hướng kịp thời, giúp trẻ tránh được những cái nhìn sai lệch, đồng thời hiểu rõ hơn về bản thân và các vấn đề mà cơ thể đang gặp phải.

Giúp trẻ tránh xa tệ nạn, phòng ngừa nguy cơ xâm hại tình dục

Giáo dục giới tính giúp trẻ nhận biết được những bộ phận cần được bảo vệ trên cơ thể mình, từ đó biết cách bảo vệ bản thân, tránh nguy cơ bị xâm hại tình dục ở trẻ em. Không những vậy, trẻ cũng được biết về nguyên tắc không chạm đến vùng riêng tư của người khác, hình thành ý thức biết tôn trọng, quan trọng hơn là tránh xa tệ nạn.

Giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn

Việc giáo dục giới tính giúp trẻ có thể hiểu và lường trước được hậu quả của các hoạt động liên quan đến tình dục không đúng cách, hiểu rõ về sức khỏe sinh sản và biết cách sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su để tránh thai an toàn. Đây được xem là một trong những nội dung quan trọng trong giáo dục giới tính, bởi nó giúp giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn hay tình trạng nạo phá thai, giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục.

Giúp trẻ nhận thức được giá trị của bản thân

Từ các nội dung về giới tính mà trẻ tiếp nhận được, trẻ sẽ hiểu rõ hơn về sự phát triển bình thường trên cơ thể và những tâm sinh lý của mình. Từ đó, trẻ sẽ nhận thức được giá trị của bản thân, hiểu được đâu là mối quan hệ không lành mạnh hoặc đâu là hình thức quan hệ tình dục không an toàn.

Giáo dục giới tính cho trẻ em như thế nào?

Giáo dục giới tính cho trẻ cần phải được thực hiện đúng phương pháp. Các chuyên gia tâm lý và sức khỏe khẳng định nếu không định hướng đúng, việc này có thể gây phản tác dụng. Dưới đây là một số phương pháp mà các bậc phụ huynh và giáo viên có thể tham khảo và áp dụng thực hiện:

Giáo dục sớm nhưng không vội vàng

Khi trẻ lên 4 tuổi, bạn đã có thể bắt đầu dạy cho trẻ những kiến thức đơn giản về giới tính. Bởi lúc này trẻ muốn được khám phá thế giới xung quanh nhiều hơn, đồng thời cũng là độ tuổi trẻ dễ bị xâm hại nhất. Bố mẹ có thể dạy trẻ một cách dễ hiểu như quy tắt đồ lót, những bộ phận riêng tư trên cơ thể của trẻ không ai được phép nhìn hay động chạm vào.

Giáo dục theo từng độ tuổi

Ở mỗi độ tuổi khác nhau, trẻ sẽ có những thay đổi về suy nghĩ, tâm lý và cả sinh lý. Không những vậy, khả năng tiếp cận và nhận thức của trẻ cũng khác nhau ở từng giai đoạn. Có trẻ dậy thì sớm, có trẻ lại dậy thì muộn hơn. 

Việc dạy trẻ những kiến thức không phù hợp với độ tuổi sẽ có thể khiến trẻ tăng nguy cơ gặp phải rủi ro. Vì thế, điều quan trọng nhất là bố mẹ cần hiểu rõ giai đoạn phát triển của con mình và chọn lọc thông tin, từ đó dạy cho trẻ phù hợp theo từng độ tuổi.

Gần gũi với trẻ, giúp trẻ tiếp thu dễ dàng nhất

Để giáo dục giới tính đạt hiệu quả, người lớn cần thực sự cởi mở và gần gũi với trẻ, không e ngại hoặc vòng vo mà cần nghiêm tắc đi thẳng vào vấn đề. Bạn cần nói cho trẻ hiểu rõ và chi tiết về giới tính, sinh lý cũng như tình dục. Nếu chính bản thân người lớn cũng tỏ ra ngại ngùng khi nói về các vấn đề này thì trẻ cũng sẽ cảm thấy dè dặt, thậm chí là né tránh khi gặp vấn đề.

Sử dụng nhiều cách tiếp cận vấn đề

Bởi mỗi đứa trẻ có một tính cách và tâm lý sẵn sàng tiếp nhận kiến thức khác nhau. Do đó, bố mẹ có thể sử dụng nhiều cách để tiếp cận vấn đề, không nhất thiết phải nói trực tiếp với những trẻ hay ngại ngùng hoặc rụt rè. 

Ví dụ như đối với trẻ độ tuổi vị thành niên, bố mẹ có thể giải thích bằng những câu châm ngôn hoặc dùng lý lẽ để trẻ hiểu rằng tình yêu khác giới sẽ đẹp đẽ khi bắt nguồn từ sự tin tưởng, yêu thương chứ không phải tình dục. Hoặc bố mẹ cần khẳng định với trẻ rằng ở độ tuổi nào đó chính bản thân trẻ chứ không phải ai khác phải chịu trách nhiệm với những hành động của mình.

Giáo dục giới tính khác nhau giữa nam và nữ

Nhìn chung, trẻ khi được giáo dục giới tính đều có các kiến thức về giới tính, sinh sản cũng như quyền và trách nhiệm trong tình dục, cách xây dựng các mối quan hệ… Tuy nhiên, cần có sự khác nhau trong cách giáo dục vấn đề này với bé trai và bé gái. 

Ví dụ, tính cách con gái tuổi dậy thì thường e ngại về ngoại hình, dễ bị bắt nạt, trêu chọc. Lúc này, bố mẹ nên động viên trẻ, giúp trẻ tự tin và bảo vệ bản thân. Còn đối với bé trai, trẻ ở độ tuổi này sẽ có xu hướng muốn khám phá nhiều hơn, rất dễ sa vào cạm bẫy hoặc các mối quan hệ không lành mạnh. Vì thế, bố mẹ nên định hướng đúng đắn cho trẻ, tránh xa các mối quan hệ dễ khiến mình hư hỏng.

Tham khảo: https://nhathuoclongchau.com