Sức Khỏe Tâm Thần - Wellbeing Là Gì? Ý Nghĩa Của Wellbeing?

Hiện nay, well-being đã dần trở thành một khái niệm thông dụng, có nơi dịch là "hạnh phúc", nơi gọi là "an lành", "lành mạnh", "khỏe mạnh", "thỏa mãn", "hài lòng", "phúc lợi", "thịnh vượng"... tất cả đều cùng trường nghĩa để diễn tả nội hàm của khái niệm này. Song vẫn chưa có một "tên gọi" được thống nhất giữa các nhà chuyên môn ở dù ở cùng hay khác lĩnh vực để sử dụng phổ biến với nhau. Ở bài viết bên dưới, tác giả dùng cụm từ "An lạc" để dịch chữ "Well-being" này.

Vậy thực sự thì An lạc có nghĩa là gì? Nhiều người nghĩ rằng an lạc và bệnh lý là hai thái cực hoàn toàn đối lập nhau, nghĩa là một khi họ có bệnh tật gì đó thì không thể có lấy "một mẩu" an lạc nào trong người, ngược lại, khi họ khỏe mạnh cũng là lúc "vắng mặt" mọi thứ bệnh tật. Tuy nhiên, an lạc không phải là một tình trạng "có hoặc không". Mà thay vào đó, an lạc có thể được định nghĩa như sự trải nghiệm cảm giác cân bằng một cách tổng thể khi đối mặt trước bất kỳ sự thiếu cân bằng nào, bao gồm cả cơ thể, tâm trí, trái tim lẫn niềm tin. Góc nhìn tổng thể này giúp chúng ta nhớ rằng an lạc là một trạng thái cảm nhận được sự cân bằng trong cuộc sống của chúng ta - từng giây từng phút, ngày qua ngày, năm này qua năm khác - được chúng ta "dệt nên" bằng tất cả vốn trải nghiệm từ mọi gian truân vất vả tới những "con đường bằng phẳng vững chãi" và những "chuyến phiêu lưu đầy lý thú, đầy vinh quang". An lạc được hình thành từ sự kết hợp tất cả những lúc thăng, lúc trầm, và những lúc bình ổn trên đường đời, giúp ta nhận ra rằng cuộc sống của chúng ta không phải là sự hoàn hảo - mà thay vào đó là sự kết hợp giữa những năng lực và sức mạnh mà ta có với tất cả những sai lầm và nhược điểm của ta, và từ đó ta không ngừng cải thiện bản thân để trở nên tốt hơn.

An lạc là viễn cảnh mà ở đó chúng ta có thể bị cảm cúm và cảm thấy suy kiệt về thể chất nhưng đồng thời ý thức được trong trái tim là đong đầy tình yêu và sự bình yên luôn hiện diện trong tâm trí. Từ khóa ở đây chính là "nhận thức", bởi vì khi mắc bệnh cảm cúm, chúng ta có xu hướng tập trung toàn bộ sự chú ý vào chỉ mỗi trải nghiệm "bị bệnh" đó, làm lấn át khả năng để ý, nhận biết các khía cạnh khác của sự an lạc, và điều này khiến chúng ta cảm thấy lần trải nghiệm của mình khi bị bệnh dường như nghiêm trọng, khó khăn hơn. Mường tượng về sự cân bằng cũng tương tự như vậy đối với những "chuyến tàu" vinh quang và kỳ thú trong cuộc sống - khi chúng ta đang ở trên chuyến tàu đó, ta thường muốn tàu sẽ mãi chạy - quên mất rằng chiếc tàu này được giữ cân bằng với những con đường của hiện thực, bằng phẳng và ổn định, cũng như những chặng đường đứng dốc vất vả. Và khi chuyến tàu đầy vinh quang, thú vị đó đã đến trạm dừng tại những vùng đất bằng phẳng hay thậm chí phải ngừng lăn bánh trước một ngọn đồi đất đá, chúng ta rất có thể bị mất tinh thần mà tự chất vấn bản thân rằng nhất định phải thay đổi điều gì để lần sau được mãi đi trên chuyến tàu vinh quang đó, rằng "mình bị làm sao vậy?" khi lại quay về con đường "thế tục" hay lại phải cố trèo qua ngọn đồi gian truân kia?

An lạc là sự chấp nhận rằng cuộc sống là một sự cân bằng hài hòa giữa những chuyến đi vinh quang, những quãng đường ổn định và những ngọn đồi vất vả. Chúng ta cần chấp nhận rằng mỗi con người đều là một sự tổng hòa của cả điểm mạnh lẫn điểm yếu của bản thân, những điểm mạnh đó sẽ không biến mất khi mắc sai lầm và những điểm yếu cũng không mất đi khi đạt được thành công. Từ lẽ đó, an lạc là đa diện, nhắc nhớ chúng ta rằng sự khỏe mạnh là bao gồm cả cơ thể, tâm trí, trái tim và niềm tin trong một sự cân bằng luôn biến động, xuyên suốt tất cả những trải nghiệm về những vinh quang, những giai đoạn êm đềm, bằng phẳng và những khó khăn, vất vả mà mình đi qua. An lạc bao gồm khả năng nhận thức và khả năng chấp nhận các khía cạnh đa diện của cuộc sống, mà không cố níu giữ hay khước bỏ thay vì đón nhận bất kỳ loại trải nghiệm nào.

Tham khảo: https://dembuon.vn