Bí quyết giúp an tâm sống vui, sống khỏe tuổi xế chiều
Tuổi xế chiều ập đến mang theo bao nỗi lo về sự suy giảm sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần. Không ít người già bị suy giảm chất lượng cuộc sống vì bệnh tật, cô đơn… Chính vì vậy, mỗi người cao tuổi đều nên biết những bí quyết sống vui, sống khỏe dưới đây!
Theo CDC, người ngoài 65 tuổi trung bình có thể sống thêm khoảng 19,3 năm nữa. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này ai cũng có thể vui vẻ, khỏe mạnh tận hưởng tuổi xế chiều. Những vấn đề về sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần có thể làm cuộc sống của họ suy giảm nghiêm trọng. Do đó, việc tìm hiểu những bí quyết để sống vui, sống khỏe tuổi già là vấn đề toàn xã hội đều nên quan tâm.
Vấn đề về thể chất thường gặp ở tuổi xế chiều
Tuổi càng cao, cơ thể càng lão hóa theo quy luật tự nhiên. Khi các cơ quan, bộ phận trên cơ thể dần lão hóa, người già sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Phổ biến nhất sẽ là các vấn đề về sức khỏe thể chất như:
Người cao tuổi mắc nhiều bệnh mãn tính
Theo thống kê, có đến 92% người cao tuổi mắc ít nhất 1 bệnh mãn tính. 77% người cao tuổi mắc ít nhất 2 bệnh mãn tính. Các bệnh thường gặp ở người cao tuổi có thể kể đến như: Huyết áp thấp, cao huyết áp ở người già, tim mạch, tiểu đường, ung thư, đột quỵ… Đây là những bệnh gây ra 2/3 số ca tử vong ở người cao tuổi mỗi năm.
Dễ gặp chấn thương
Cứ 15 giây lại có một người cao tuổi được đưa đi cấp cứu vì bị té ngã và cứ 29 phút lại có một người cao tuổi bị tử vong do té ngã. Té ngã được cho là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chấn thương ở người cao tuổi.
Điều này không khó lý giải vì khi xương khớp bị lão hóa theo tuổi tác sẽ mất đi sự linh hoạt và sức mạnh. Khả năng giữ thăng bằng của người cao tuổi cũng giảm. Khi bị chấn thương, họ thường bị nặng, chậm hoặc khó phục hồi thậm chí là chấn thương vĩnh viễn.
Chức năng của mọi giác quan đều suy giảm
Không chỉ có cơ, xương, khớp, các giác quan như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác của người già đều suy giảm. Trong đó, thị lực và thính lực là những giác quan bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo thống kê, cứ 6 người già sẽ có 1 người bị suy giảm thị lực, cứ 4 người sẽ có một người bị suy giảm thính lực. Họ gặp khó khăn trong mọi việc từ nghe, nhìn, cầm nắm, cảm nhận… Đây là thời điểm các giao tiếp xã hội của họ bị hạn chế dần, họ sẽ cảm thấy mình lạc lõng khỏi gia đình và xã hội.
Vấn đề về sức khỏe tinh thần thường gặp ở tuổi xế chiều
Suy giảm thể chất ở người cao tuổi là vấn đề không thể bàn cãi. Nhưng ngoài những ảnh hưởng về thể chất, tuổi xế chiều cũng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần như:
Khả năng nhận thức bị suy giảm
Khả năng nhận thức bao gồm khả năng suy nghĩ, ghi nhớ, học hỏi, tư duy, tính toán… Khi các tế bào não dần bị lão hóa, khả năng nhận thức của người cao tuổi không còn được như xưa.
Điều này khiến họ trở nên lẩm cẩm, nhảm nhí… trong mắt những người xung quanh. Phổ biến nhất là người cao tuổi phải đối mặt với chứng mất trí nhớ bởi nhiều bệnh mãn tính cũng dẫn đến tình trạng này.
Sức khỏe tâm thần suy giảm trầm trọng
WHO cho biết có hơn 15% người ngoài 60 tuổi bị rối loạn tâm thần. Một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất ở người cao tuổi là trầm cảm. Tại Mỹ, trầm cảm gây ra 18% số ca tự tử ở người già.
Một trong số những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm về sức khỏe tâm thần ở người cao tuổi là sự suy giảm chức năng của các giác quan đã biến họ thành những người già cô đơn. Lâu dần, họ bị rối loạn lo âu, trầm cảm và những rối loạn tâm thần khác.
Bí quyết sống vui sống khỏe tuổi xế chiều
Để nâng cao chất lượng cuộc sống, người cao tuổi cũng như những người thân trong gia đình của họ có thể tham khảo những bí kíp sống vui sống khỏe tuổi xế chiều như:
Duy trì hoạt động thể chất vừa sức
Thói quen vận động thể chất, tập thể dục hàng ngày không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất mà còn tốt cho sức khỏe tinh thần. Người cao tuổi nên duy trì mỗi ngày 30 phút tập luyện vừa sức. Hoạt động thể chất giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng, sự linh hoạt, dẻo dai của toàn bộ cơ thể. Đây cũng là cách hữu hiệu để họ phòng ngừa hoặc kiểm soát các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, huyết áp…
Ngoài ra, khi vận động, cơ thể tăng cường sản xuất những hormone “hạnh phúc” giúp giảm đau, cải thiện tâm trạng và trí nhớ cho người cao tuổi.
Người cao tuổi cần kiểm tra sức khỏe định kỳ
Bất cứ lứa tuổi nào cũng cần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nhưng điều này đặc biệt quan trọng với người cao tuổi. Việc khám sức khỏe người cao tuổi định kỳ sẽ giúp bác sĩ phát hiện sớm các nguy cơ bệnh lý để tư vấn cách phòng ngừa.
Nếu phát hiện sớm một bệnh lý nào đó, việc điều trị cũng đơn giản hơn và tỷ lệ phục hồi cao hơn. Ngoài ra, chất lượng cuộc sống của người cao tuổi cũng sẽ được cải thiện khi họ được tư vấn dùng các thiết bị hỗ trợ kịp thời (máy trợ thính, máy khử rung tim, xe lăn,...)
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh tuổi xế chiều
Nâng cao sức khỏe người cao tuổi không thể bỏ qua việc xây dựng và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh. Ở tuổi xế chiều, vì ít vận động và lao động hơn nên nhu cầu về năng lượng của người cao tuổi giảm xuống. Tuy thế, nhu cầu về dinh dưỡng lại giữ nguyên hoặc tăng lên theo tuổi tác. Vì vậy, họ cần có một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, cân bằng dinh dưỡng.
Giấc ngủ với người già rất quan trọng
Giấc ngủ là khoảng thời gian để cơ thể phục hồi và tái tạo. Những giấc ngủ ngon không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất mà còn giúp người già minh mẫn hơn, giảm nguy cơ mất trí nhớ, phục hồi chức năng các giác quan. Hãy giúp cho những người cao tuổi một không gian ngủ yên tĩnh để họ có giấc ngủ ngon.
Ngoài những yếu tố trên, tuổi xế chiều cũng nên suy nghĩ lạc quan, tích cực, hạn chế căng thẳng, tự tìm đến những thú vui trong cuộc sống. Họ cũng có thể tăng cường kết nối cộng đồng bằng cách tham gia các câu lạc bộ dành cho người cao tuổi để đỡ cô đơn hơn…
Tóm lại, những suy giảm về cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần ở tuổi xế chiếu là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có cách để sống vui, sống khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống đúng không nào?
Tham khảo: https://nhathuoclongchau.com.vn/