Những rối loạn thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh

Sự thiếu hụt hormone estrogen khiến cơ thể phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh gặp phải những rối loạn về kinh nguyệt, tim mạch, chuyển hóa...

Phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh thường gặp phải nhiều biến đổi cả về thể chất và tinh thần, kéo dài cho tới khi thực sự mãn kinh. Nguyên nhân chính của những thay đổi này là do buồng trứng bắt đầu suy giảm hoạt động, chế tiết ít dần lượng hormone estrogen rồi ngừng hẳn. Điều này dẫn đến rối loạn ở tất cả các cơ quan bên trong cơ thể.

Rối loạn kinh nguyệt

Một trong những vấn đề đầu tiên là rối loạn kinh nguyệt, chu kỳ trở nên không đều, quá dài hoặc quá ngắn; lượng máu kinh ít hoặc nhiều hơn bình thường, âm đạo khô, giảm tiết dịch, giảm ham muốn tình dục, giao hợp đau và khó thụ thai.

Rối loạn hệ tiết niệu, tim mạch

Phụ nữ trong giai đoạn này bắt đầu gặp một số rối loạn hệ tiết niệu như tiểu són, tiểu buốt, nhiễm trùng tiết niệu... Các vấn đề rối loạn tim mạch như xuất hiện các cơn bốc hoả, cảm giác nóng đột ngột ở phần trên cơ thể, cổ, mặt, tăng huyết áp, tim đập nhanh.

Rối loạn thần kinh- tâm thần và giác quan

Về mặt sức khỏe tâm thần, phụ nữ thường gặp vấn đề mất ngủ, chóng mặt, thay đổi tính tình, dễ cáu giận, lo âu, buồn phiền. Nếu không được điều trị sớm và tích cực dễ dẫn đến trầm cảm. Một số trường hợp gặp rối loạn thần kinh giao cảm và phó giao cảm với những biểu hiện như đổ mồ hôi trộm, nóng, lạnh bất thường, hay đi kèm với cơn bốc hỏa vào ban đêm, đôi khi mồ hôi vã ra như tắm.

Trí nhớ và khả năng tập trung cũng nữ giới giai đoạn này cũng có dấu hiệu giảm sút. Ngoài ra, dù hiếm nhưng một số chị em gặp rối loạn giác quan như khô mắt, rối loạn vị giác, khô miệng, đau hoặc có cảm giác nóng rát ở lưỡi, môi, lợi.

Rối loạn chuyển hóa

Thời kỳ tiền mãn kinh cũng đánh dấu những thay đổi về mặt hình thể, một phần do rối loạn chuyển hóa lipid, tăng cholesterol toàn phần, tăng cholesterol xấu (LDL-C), giảm cholesterol tốt (HDL-C) gây ra tình trạng xơ vữa mạch máu dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh chuyển hoá như đái tháo đường, tăng huyết áp...

Giảm hấp thụ canxi, mật độ xương giảm dẫn đến loãng xương, dễ gãy xương, thoái hóa khớp, viêm xương khớp, gù. Ngoài ra, phụ nữ cũng dễ tăng cân do tích tụ các tế bào mỡ trắng, thường tập trung ở nửa dưới cơ thể, đặc biệt từ dưới rốn đến mông, đùi tạo nên dáng béo "hình quả lê", làm mất sự cân đối về vóc dáng.

Rối loạn hệ thống da, lông, tóc, móng

Trong thời kỳ này, phụ nữ dễ gặp vấn đề sạm da, tàn nhang xuất hiện ở mặt và các vùng da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, tóc rụng, móng giòn, dễ gãy. Suy giảm estrogen làm cho tỉ lệ testosteron tăng lên dẫn đến mọc râu, ria mép ở một số phụ nữ.

Không phải tất cả phụ nữ đều có các thay đổi tâm sinh lý như trên. Nhiều kết quả khảo sát trên thế giới cho thấy 80% phụ nữ có các triệu chứng thường gặp như kinh nguyệt thất thường, giảm ham muốn tình dục, khó ngủ, da, tóc thay đổi, loãng xương; 67% phụ nữ trong lứa tuổi 40-59 và 80% phụ nữ từ 60 tuổi trở lên bị thừa cân, 52,4% giảm ham muốn tình dục và chỉ khoảng 23% có triệu chứng trầm cảm, lo âu, thay đổi tâm lý.

Những thay đổi trong giai đoạn tiền mãn kinh dẫn đến một số hệ quả. Một trong số đó là khả năng có thai ngoài ý muốn, do kinh nguyệt không đều, phụ nữ không chú ý sử dụng các biện pháp tránh thai. Ngoài ra, nguy cơ mắc các bệnh về nội tiết, tim mạch, xương khớp, ung thu cũng gia tăng. Đặc biệt, phụ nữ có thể mắc đái tháo đường type 2 do rối loạn chuyển hóa lipid, suy giảm estrogen. Mất ngủ, ăn uống kém cũng khiến sức khỏe và sức bền của cơ thể suy giảm.

Để hạn chế các tác động bất lợi của các rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh, chị em cần thay đổi lối sống, ăn đủ chất và cân đối, tăng cường thêm khẩu phần rau xanh, hoa quả, omega-3, canxi. Hạn chế hoặc kiêng các thực phẩm: giàu chất béo bão hoà (mỡ động vật, bơ, phô mai ), thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế cao như bánh mì trắng, mì, kẹo kem, bánh ngọt; thức uống chứa cafeine, rượu, bia, thuốc lá.

Phụ nữ cần đảm bảo ngủ đủ giấc (7-8 giờ mỗi ngày), duy cân nặng cơ thể trong giới hạn bình thường (chỉ số BMI 18 -23), tập thể dục thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe, giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ và tránh các yếu tố kích thích trong cuộc sống hàng ngày.

Nhiều liệu pháp điều trị bằng thuốc có thể được thực hiện dưới sự theo dõi của bác sĩ như sử dụng hormone thay thế, bổ sung canxi, sử dụng estrogen có nguồn gốc thực phẩm và thuốc điều trị các triệu chứng bốc hỏa, lo âu, trầm cảm...

Trong giai đoạn này, chị em cần lưu ý khám sức khỏe định kỳ, đo mật độ xương, sàng lọc các bệnh lý thường gặp ở tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh và các loại ung thư sinh dục để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hiệu quả. Ngoài ra, cần đi khám bác sĩ ngay nếu các triệu chứng kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống; rối loạn kinh nguyệt (chu kỳ kinh ngắn dưới 3 tuần/lần; rong kinh kéo dài, đa kinh, băng kinh; ra máu thấm giọt giữa chu kỳ kinh); ra máu âm đạo khi đã mãn kinh dù chỉ là máu thấm giọt.

Tham khảo: https://vnexpress.net