Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là gì?
Kinh nguyệt là một phần tự nhiên trong cuộc sống của người phụ nữ. Bạn có thể nhận biết được dấu hiệu cho thấy kỳ kinh của mình sắp đến. Hầu hết, những dấu hiệu đó có thể là căng tức ngực hoặc thèm ăn đồ ngọt. Nhưng đối với một số người mắc hội chứng tiền kinh nguyệt (Pre Menstrual Syndrome- PMS), các dấu hiệu này nặng hơn và làm xáo trộn cuộc sống hàng ngày của họ.
Tìm hiểu chung
Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?
Kinh nguyệt là một phần tự nhiên trong cuộc sống của người phụ nữ. Bạn có thể nhận biết được một số dấu hiệu cho thấy kỳ kinh của mình sắp đến. Đối với hầu hết phụ nữ, những dấu hiệu có thể là căng tức ngực hoặc thèm ăn đồ ngọt. Nhưng đối với một số người, các dấu hiệu này nặng hơn và làm xáo trộn cuộc sống hàng ngày của họ. Các triệu chứng đó cho thấy họ có thể mắc hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).
PMS là một nhóm các thay đổi có thể ảnh hưởng đến bạn ở nhiều mức độ, nhiều cách khác nhau. Chúng có thể là thể chất, cảm xúc hoặc hành vi, thường xảy ra trước kỳ kinh từ 1 đến 2 tuần. Khi kỳ kinh của bạn bắt đầu hoặc ngay sau khi bắt đầu, những triệu chứng này sẽ biến mất.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt có thể biểu hiện qua nhiều cách cũng như mức độ khác nhau. Sau đây là một số triệu chứng mà bệnh nhân có thể gặp:
-
Dấu hiệu cơ thể: Đầy hơi, chuột rút, căng tức ngực, thèm ăn, đau đầu, đau cơ, đau khớp, mụn trứng cá, tăng cân, táo bón hoặc tiêu chảy.
-
Dấu hiệu về cảm xúc: Dễ thay đổi cảm xúc, căng thẳng hoặc lo lắng, suy sụp, dễ xúc động, khó ngủ, mất ngủ, cô lập bản thân, mất kiểm soát, xuất hiện các cơn giận dữ.
-
Dấu hiệu hành vi: Mau quên, mất tập trung, cảm giác mệt mỏi.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng tiền kinh nguyệt
Nguyên nhân của PMS là không rõ ràng. Các nguyên nhân có thể xảy ra hoặc các yếu tố góp phần bao gồm:
-
Sự thay đổi hormone;
-
Di truyền;
-
Thiếu serotonin;
-
Thiếu magiê và canxi.
Nguy cơ
Những ai có nguy cơ mắc phải hội chứng tiền kinh nguyệt?
Bé gái và phụ nữ có kinh đều có thể mắc hội chứng tiền kinh nguyệt. Nhưng nó phổ biến nhất ở những phụ nữ:
-
Đang ở độ tuổi cuối 20 đến đầu 40;
-
Đã có một đứa con;
-
Có thành viên trong gia đình bị trầm cảm;
-
Mắc trầm cảm sau sinh, trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng tiền kinh nguyệt
Một số thói quen có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng PMS của bạn bao gồm:
-
Hút thuốc lá;
-
Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo, đường và muối;
-
Thiếu hoạt động thể chất thường xuyên;
-
Thiếu ngủ.
Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt là một chẩn đoán lâm sàng. Để chẩn đoán, bác sĩ thường dựa trên bản ghi chép triệu chứng hàng ngày của bệnh nhân về thay đổi thể chất, cảm xúc, hành vi trong giai đoạn trước kỳ kinh và khi bắt đầu kỳ kinh. Việc thăm khám lâm sàng cũng như làm các xét nghiệm ít có giá trị nhưng thường được sử dụng khi nghi ngờ nguyên nhân khác.
Một số bệnh lý khác có thể chẩn đoán nhầm với Hội chứng tiền kinh nguyệt:
-
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (Premenstrual Dysphoric Disorder, viết tắt là PMDD): Đây là bệnh lý thường bị chẩn đoán nhầm. Triệu chứng xảy ra thường xuyên hơn, chỉ trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt; kết thúc ngay khi có kinh nguyệt. Đặc biệt tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Các triệu chứng của PMDD khá giống với hội chứng tiền kinh nguyệt như: Trầm cảm, buồn, dễ khóc, có ý nghĩ tự tử, cơn hoảng sợ, lo âu, tức giận, cáu kỉnh, hay thay đổi đột ngột tâm trạng, mất hứng thú với những hoạt động hành ngày, khó tập trung, ăn uống vô độ, cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ hoặc ngủ nhiều.
-
Trầm cảm.
-
Rối loạn lo âu.
-
Bệnh lý tuyến giáp.
Phương pháp điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt hiệu quả
Việc thay đổi lối sống có thể giúp làm giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt ở nhiều phụ nữ. Nhưng nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng thì bác sĩ có thể kê một số loại thuốc điều trị triệu chứng như:
-
Thuốc chống trầm cảm: Giúp giảm lo âu, cáu kỉnh, các rối loạn cảm xúc khác. Đặc biệt là nhóm chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) như fluoxetine, paroxetine, sertraline và những loại khác. Nhóm thuốc này được sử dụng trong khoảng 1-2 tuần trước khi có bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt mới.
-
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Giúp giảm đau nhức, giảm đau bụng kinh.
-
Thuốc tránh thai: Giúp điều hoà hormone và ngăn không cho rụng trứng. Điều này giúp giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt.
Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng tiền kinh nguyệt
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Bệnh nhân cần lạc quan vì tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
Chế độ dinh dưỡng:
- Ăn thực phẩm lành mạnh như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau.
- Chia nhiều bữa nhỏ.
- Cố gắng bổ sung đủ canxi từ thực phẩm (sữa, rau lá xanh và cá hồi đóng hộp).
- Tránh sử dụng nhiều muối, đường, caffeine và rượu.
Phương pháp phòng ngừa hội chứng tiền kinh nguyệt hiệu quả
- Không có phương pháp phòng ngừa nào cho hội chứng tiền kinh nguyệt nhưng có rất nhiều cách để giúp giảm các triệu chứng của PMS. Những cách sau đây có thể giúp cải thiện triệu chứng:
- Tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày.
- Ăn thực phẩm lành mạnh như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau.
- Cố gắng bổ sung đủ canxi từ thực phẩm (sữa, rau lá xanh và cá hồi đóng hộp).
- Hạn chế sử dụng nhiều muối, đường caffeine và rượu.
- Không hút thuốc lá.
- Ngủ đủ giấc.
- Thiền hoặc sử dụng các biện pháp khác giúp giảm căng thẳng.
- Ghi chú lại tâm trạng và các triệu chứng liên quan đến chu kỳ kinh của mình.
- Một số phụ nữ có thể cải thiện khi bổ sung vitamin và khoáng chất như axit folic, magiê, vitamin B6, vitamin E, canxi cùng với vitamin D. Tuy nhiên cần lưu ý nếu bạn dùng bất kỳ loại vitamin hoặc chất bổ sung nào, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước để đảm bảo chúng an toàn cho bạn.
Tham khảo: https://nhathuoclongchau