Áp lực xã hội hiện đại gây tăng mỡ máu, đột quỵ

Xã hội hiện đại mang đến cuộc sống đầy đủ tiện nghi nhưng cũng có không ít tác động tiêu cực, nhất là với sức khỏe. Trong đó, trước đây “căn bệnh nhà giàu” máu nhiễm mỡ ít được chú ý thì nay những biến chứng của nó khiến chúng ta buộc phải quan tâm nhiều hơn.

Thời đại 4.0: Hiện đại nhưng “hại điện” vì tăng mỡ máu

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nước ta hiện có khoảng 29% người trưởng thành bị máu nhiễm mỡ (hay còn gọi là rối loạn lipid máu, tăng cholesterol). Ở khu vực thành thị, tỷ lệ này lên đến 44,3%. Đặc biệt, đáng lo ngại nhất là 71% người bệnh không biết mình mắc bệnh cho đến khi đi khám tổng quát và đa số không lường được biến chứng tai hại của bệnh.

Ăn nhiều đồ dầu mỡ trong thời gian dài khiến tình trạng mỡ máu cao ngày càng gia tăng (Ảnh minh họa)

Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, tỷ lệ người mắc máu nhiễm mỡ ở Việt Nam tăng nhanh nhất ở độ tuổi 35 - 44. Các chuyên gia chỉ ra, chính lối sống hiện đại ít vận động, dinh dưỡng không hợp lý đã gây nên căn bệnh nguy hiểm này. Đa số người trẻ hiện nay bị cuốn vào những món ăn nhanh chứa nhiều chất béo và tinh bột. Chưa kể, thói quen nhậu nhẹt cũng là lý do khiến mỡ máu tăng cao.

Ngoài ra, người Việt cũng đang dành nhiều thời gian bên các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng thay vì tập thể dục, chơi thể thao. Điều này dẫn đến tình trạng số người dân béo phì, thừa cân tăng cao và đây cũng là nguyên nhân chính gây mỡ máu cao.

Triệu chứng nhận biết tăng mỡ máu, khi nào cần khắc phục?

Bệnh mỡ máu cao thường trải qua quá trình tác động lâu dài, chỉ đến khi nó chuyển biến hình thành các yếu tố cản trở sự lưu thông máu đến các cơ quan mới gây ra các hiện tượng đau đầu, tê bì chân tay, chóng mặt, đau tức ngực, thở gấp, tim đập nhanh... Điều này có thể chồng lấp với triệu chứng của các bệnh lý khác, đôi khi làm người bệnh chủ quan mà không biết rằng nó đã ngấm ngầm bắt đầu “hạ thủ” cơ thể.

Lâu ngày, các lipid xấu trong máu sẽ tích tụ dần để lại hậu quả là xơ vữa động mạch. Lượng mỡ quá cao xâm nhập vào thành của động mạch làm cho chúng trở nên xơ cứng, mất tính chất co giãn, thành mạch dày lên, lòng mạch sần sùi, bóc tách thành từng mảng, trong đó lắng đọng các chất mỡ và canxi (vôi hóa thành mạch).

Các lipid xấu trong máu sẽ tích tụ dần để lại hậu quả là xơ vữa động mạch, có thể dẫn đến đột quỵ bất kỳ lúc nào (Ảnh minh họa)

Khi lòng mạch bị tổn thương, tiểu cầu trong máu sẽ tăng kết tụ và tạo cục máu đông khiến cho lòng mạch hẹp lại hoặc thậm chí tắc hẳn, dẫn đến biến chứng nguy hiểm nhất thường được nhắc đến là đột quỵ não. Hơn nữa, những người bị tăng mỡ máu thường có nhiều bệnh lý song hành như đái tháo đường tăng huyết áp, tim mạch - đây đều là những yếu tố nguy cơ hiện hữu của đột quỵ. Thực tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thống kê và ước tính, mỡ máu cao có liên quan đến 48% trường hợp đột quỵ.

Khi có các dấu hiệu tê bì chân tay, chóng mặt, đau tức ngực, thở nhanh… cần đi khám bác sĩ, để tránh các biến cố tim mạch, não (Ảnh minh họa)

Về vấn đề khắc phục, thông thường trong trường hợp tăng mỡ máu nhẹ, không có bệnh mạch vành, đái tháo đường, tăng huyết áp, không hút thuốc, thì cần thực hiện chế độ ăn kiêng và vận động... Sau 6 tháng kiên trì và thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ nhưng kết quả xét nghiệm chưa giảm đến mức mong muốn thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc statin cho người bệnh uống.

Khi đang dùng thuốc statin vẫn cần duy trì nghiêm túc chế độ ăn kiêng để đạt được việc hạ mỡ máu tốt nhất (không ăn mỡ động vật và thực phẩm nhiều cholesterol; ăn nhiều rau cải, trái cây, chất xơ sợi và đủ chất đạm), vận động thể lực hằng ngày và cần giảm cân (nếu thừa cân).

Song song đó, cần kiểm soát tốt các bệnh lý có thể gây tăng mỡ máu như hội chứng thận hư, bệnh xơ gan, ứ mật... Đặc biệt, phải hết sức chú ý phòng tránh và xử lý tốt những bệnh phối hợp như tăng huyết áp, tiểu đường, gút, bệnh mạch vành vì có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm khi phối hợp với xơ vữa động mạch do mỡ máu tăng cao.

Bảo vệ sức khỏe não trước mỡ máu cao

Để hạn chế mỡ máu cao, bảo vệ cơ thể trước nguy cơ đột quỵ, mỗi người cần cân bằng lại khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày, chọn các chất béo lành mạnh hơn. Cụ thể, giảm lượng thức ăn có chất béo bão hòa như mỡ động vật, các thực phẩm chiên (rán), tăng cường thực phẩm giàu axit béo omega-3 có trong các loại cá như cá hồi, cá thu, cá trích và các loại hạt như óc chó, hạnh nhân… Bổ sung thêm chất xơ hòa tan có trong yến mạch, trái cây, rau, đậu... Hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá, tập thể dục đều đặn mỗi ngày.

Đặc biệt cần lưu ý, lượng cholesterol máu cao thường không biểu hiện triệu chứng nên những người từ sau 20 tuổi nên kiểm tra mỡ máu toàn phần mỗi năm 1 lần và từ sau 50 tuổi nên kiểm tra 6 tháng/1 lần.

Tham khảo: https://suckhoedoisong.vn/